8 biện pháp tự nhiên giúp hạ men gan

Men gan tăng cao là một dấu hiệu có tổn thương tại gan. Nguyên nhân có thể do các chất độc hại như rượu, bia, thuốc lá hay các bệnh lý viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan.

Thực hiện các biện pháp đơn giản mà hiệu quả sau để hạ men gan về mức bình thường và phục hồi chức năng gan.

  • Men gan là gì và tại sao giảm chỉ số men gan nếu tăng cao ?

Men gan bao gồm ALT, AST, là enzym trong gan. Enzyme có chức năng xúc tác chuyển đổi acid amin alanine thành L-glutamate và pyruvate. Đồng thời, men gan cũng là chất trung gian quan trọng để sản xuất năng lượng tế bào.

Với người khỏe mạnh, nồng độ men gan trong máu thấp và giữ ổn định. Nhưng do một số nguyên nhân khiến cho tế bào gan bị phá hủy thì ALT, AST được giải phóng vào máu, vì thế chỉ số này tăng lên. Thông thường, ALT được giải phóng vào máu nhiều nhất là trước khi dấu hiệu tổn thương gan rõ ràng và nặng nề.

Giảm chỉ số ALT có thể giúp gan thực hiện tốt các chức năng. Ngoài việc phải phát hiện và điều trị nguyên nhân tăng men gan thì có các phương pháp tự nhiên có thể bổ sung cho việc điều trị tốt hơn để giúp giảm hàm lượng ALT.

  • Các phương pháp tự nhiên bao gồm:

1. Uống cà phê

Một nghiên cứu về tác dụng của cafe đối với bệnh lý gan (2017) chỉ ra rằng uống một ly cafe trở lên mỗi ngày làm giảm chỉ số men gan (AST, ALT, GGT).

Một nghiên cứu khác đã so sánh nguy cơ ung thư gan và bệnh gan mãn tính giữa những người uống cà phê và những người không uống cà phê ở hơn 200.000 người từ Hawaii và California. Nghiên cứu cho thấy những người uống 2-3 ly cà phê mỗi ngày làm giảm 38% nguy cơ ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan) và 46% nguy cơ tử vong do bệnh gan mạn tính so với những người không uống cà phê.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trong cafe có chất làm kích hoạt các enzym giải độc gan.

Do vậy uống cafe mỗi ngày giúp hạ men gan và giảm mắc các bệnh lý về gan.

2. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện chức năng của gan và là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan.

Một bài báo trên Tạp chí Journal of Hepatology đã khuyến khích tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm triệu chứng của bệnh lý xơ gan.

3. Giảm cân

Trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ thì giảm cân là phương pháp cải thiện chức năng gan và bảo vệ gan khỏi biến chứng xơ gan. Giảm cân giúp cơ thể tăng cường độ nhạy cảm của Insulin (Enzym giúp điều hòa đường máu) và giảm phản ứng viêm.

Tăng cường hoạt động thể lực và giảm lượng Calo thông qua chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp việc giảm cân trở nên dễ dàng.

4. Tăng cường axit folic

Sự thiếu hụt axit folic có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan và có khả năng dẫn đến ung thư gan. Mọi người có thể cải thiện sức khỏe gan của mình bằng cách ăn thực phẩm giàu axit folic

  • Gan lợn
  • Cải bó xôi (Rau chân vịt)
  • Hạt đỗ đen
  • Măng tây
  • Rau diếp
  • Quả bơ

Nếu không đủ điều kiện sử dụng các thực phẩm kể trên có thể uống bổ sung axit folic. Một nghiên cứu năm 2011, với 455 người tham gia cho thấy tăng cường bổ sung axit folic giúp hạ men gan đáng kể, đặc biệt là ở nam giới với chỉ số men gan tăng cao. Các nhà nghiên cứu chỉ ra với liều 0,8 mg axit folic hàng ngày có thể hạ men gan.

5. Thay đổi chế độ ăn uống

Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy chế độ ăn ít carbohydrate làm giảm chỉ số men gan ở người béo phì và rối loạn điều hòa đường máu.

Để có một lá gan khỏe mạnh, Tổ chức Gan Hoa Kỳ khuyên bạn nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm:

  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt thực phẩm chiên rán
  • Tránh ăn thực phẩm gỏi, tái
  • Tăng cường ăn rau xanh và trái cây

Ngoài ra sử dụng thực phẩm organic có thể giúp giảm gánh nặng đào thải độc tố của gan.

6. Chế độ ăn giảm chất béo

Một nghiên cứu năm 2018 đã tìm thấy mối liên hệ giữa nồng độ cholesterol “xấu” (LDL-C) và hàm lượng men gan trong máu. Cụ thể là ở mức độ tăng cholesterol “xấu” cũng sẽ làm tăng men gan. 

Như vậy gián tiếp hạ cholesterol xấu có thể làm hạn men gan. Một số cách giúp loại trừ LDL-C đơn giản như: 

  • Hạn chế ăn thịt đỏ như lợn, bò
  • Hạn chế chất béo bão hòa
  • Tăng cường chất xơ
  • Tăng lượng axit béo omega-3

7. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Một số loại thuốc và chất bổ sung có thể gây tổn thương thêm cho gan.

Paracetamol (Acetaminophen) được biết là thuốc hạ sốt, giảm đau thông dụng nhưng có thể gây tổn thương cho gan nếu mọi người dùng quá nhiều (không quá 2000 mg/ngày). Những người thường xuyên uống rượu nên tránh dùng Paracetamol, hoặc chỉ uống với liều lượng rất nhỏ nếu cần thiết.

Dư thừa sắt trong cơ thể hoặc vitamin A cũng có thể gây hại cho gan với liều lượng cao. Những người men gan cao sử dụng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ tránh trường hợp gặp các tác dụng phụ không mong muốn.

8. Hạn chế uống rượu, hút thuốc và các chất độc từ môi trường

Rượu và thuốc lá đều làm có thể làm tăng men gan do làm tổn thương gan.

Ngoài ra ở một số nơi gần các khu công nghiệp liên quan đến hóa chất nên sử dụng máy lọc không khí loại bỏ các chất độc hại tồn tại trong không khí.

Nguồn:

  • ALT. (n.d.).
    https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=167&contentid=alt_sgpt
  • Aragon, G., et al. (2010). When and how to evaluate mildly elevated liver enzymes in apparently healthy patients.
    https://www.mdedge.com/ccjm/article/95275/gastroenterology/when-and-how-evaluate-mildly-elevated-liver-enzymes-apparently
  • Berzigotti, A., et al. (2015). Physical activity and liver diseases.
    https://aasldpubs.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/hep.28132
  • Cooking to lower cholesterol. (2017).
    https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/prevention-and-treatment-of-high-cholesterol-hyperlipidemia/cooking-to-lower-cholesterol
  • Heath, R. D., et al. (2017). Coffee: The magical bean for liver diseases.
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5440772/

 


Tại sao lá gan lại quan trọng đối với sự sống

 

Vậy chức năng chính của gan là gì ?

* Chuyển hóa chất dinh dưỡng

Bất cứ thứ gì chúng ta ăn cho dù đó là thức ăn, rượu, thuốc… chúng sẽ được tiêu hóa bởi dạ dày và ruột, sau đó hấp thụ vào máu vận chuyển đến gan và được chuyển hóa.

* Sản xuất mật

Mật có tác dụng giúp ruột non hấp thụ chất béo và một số vitamin tan trong dầu như vitamin A,D, E, K một cách dễ dàng.

* Hấp thu và chuyển hóa Bilirubin 

Khi hồng cầu già trong máu theo chu trình đào thải của cơ thể sẽ thoái biến thành bilirubin. Lượng sắt có trong hồng cầu sẽ được lưu trữ ở gan và tủy xương. Tiếp tục cho quá trình tạo tế bào máu của cơ thể.

* Chuyển hóa các chất glucose, protein, lipid

Trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, chức năng giúp ổn định đường huyết của bạn. Nếu lượng đường trong máu của bạn tăng, ví dụ sau bữa ăn, gan sẽ đẩy đường ra khỏi máu và lưu trữ dưới dạng glycogen. Nếu lượng đường trong máu của bạn quá thấp, gan sẽ phá vỡ glycogen và đưa đường vào máu. Gan cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein. Theo đó, các tế bào gan sẽ “cải tạo” lại các a-xít amin có trong thực phẩm để cơ thể có thể sử dụng để sản xuất năng lượng hoặc các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi sống cơ thể. 

* Chức năng thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố

Máu từ các cơ quan tiêu hóa đến gan thường mang theo chất dinh dưỡng, thuốc và cả các chất độc hại. Lúc này, gan phát huy chức năng giải độc cho cơ thể bằng cách xử lý, chuyển đổi các chất độc hại thành một chất ít độc hại hơn sau đó được vận chuyển đến thận và bị đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Nếu chức năng gan bị rối loạn, các chất độc sẽ  tích tụ trong máu gây ra tổn thương đa cơ quan như tim, thận, não…

Một số bệnh lý gan hay gặp

Bệnh lý có thể xảy ra cấp tính nghĩa là các triệu chứng xuất hiện trong vòng 4 tuần sau khi khởi phát, hoặc nó có thể trở thành mạn tính nếu các triệu chứng diễn ra trên 4 tuần. Bệnh gan cấp tính xuất hiện đột ngột, thường là do nhiễm độc hoặc nhiễm trùng như viêm gan virus. Trong khi đó, bệnh gan mạn tính các triệu chứng xuất hiện dần dần, thường xuyên hơn nhiều tháng hoặc nhiều năm. Cả hai loại đều có thể dẫn đến suy chức năng gan.

Bệnh gan mạn tính thường đáp ứng tốt với điều trị hoặc thay đổi lối sống, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi mọi người có các triệu chứng còn nhẹ.

Một số ví dụ về bệnh bao gồm:

  • Gan nhiễm mỡ
  • Viêm cấp/mạn
  • Xơ gan
  • Nhiễm độc
  • Hẹp đường mật (Sỏi, viêm đường mật)

Làm sao để có thể bảo vệ lá gan của bạn?

─  Hạn chế rượu bia, thuốc lá: Nếu có sử dụng rượu bia hay trong hoàn cảnh phải sử dụng rượu bia thì nên dùng với lượng vừa phải theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): 25 ml/ngày (rượu 40 độ), tuyệt đối không nên uống rượu khi mắc các bệnh về gan. Hạn chế hay tốt nhất là không hút thuốc lá.

─  Dinh dưỡng hợp lý: Chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh và ăn uống đầy đủ, cân bằng các loại chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, ăn nhiều thực phẩm tươi, giàu chất xơ: rau xanh, trái cây,…tránh ăn nhiều đồ chiên, nướng, uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2,5 lít/ngày).

─  Tăng cường vận động: Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và điều độ là một trong những phương pháp tuyệt vời vì tính đơn giản, hiệu quả, ít tốn kém để giữ cho cơ thể luôn được khỏe mạnh mỗi ngày.

─  Khám sức khỏe định kỳ: Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để biết tình trạng của gan đồng thời sẽ được bác sĩ tư vấn tiêm phòng vaccin khi chưa bị viêm gan do virus hay điều trị kịp thời nếu mắc các bệnh.

– Tránh quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm virus VGB,C.

Nguồn: 

  • Kalra, A., et al. (2021). Physiology, liver.
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535438/
  • Liver disease. (n.d.).
    https://www.niddk.nih.gov/health-information/liver-disease

 


Tiềm ẩn bệnh lý gan ở bệnh nhân đái tháo đường

Tại Việt Nam theo thống kê cứ 11 người sẽ có 1 người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường dẫn tới các tổn thương khác nhau đặc biệt là tim, thận, mạch máu, mắt.

1.Nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ

Theo các nghiên cứu gần đây những bệnh nhân đái tháo đường xuất hiện thêm tình trạng gan nhiễm mỡ – được hiểu là các chất béo (mỡ) tích tụ trong gan quá 5%. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới các bệnh mạn tính như viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan.

Đái tháo đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Bởi khi đường máu tăng cao sẽ làm chức năng loại bỏ cholesterol xấu (LDL-C) tại gan giảm đáng kể dẫn tới tình trạng Cholesterol sẽ tích tụ trong gan nhiều hơn. Trong trường hợp này, chất béo trong gan gây ra tình trạng viêm dẫn tới hình thành các mô sẹo, tạo ra các dải xơ. Điều này có thể dẫn đến xơ gan và bệnh gan giai đoạn cuối theo thời gian. Nhưng nhiều người mắc gan nhiễm mỡ không biết điều đó. 

Theo bác sĩ nội tiết Kenneth Cusi có khoảng 75% bệnh nhân đái tháo đường type 2 hoặc tiền đái tháo đường (Rối loạn dung nạp glucose – Xét nghiệm đường máu lúc đói từ 5,6 – 6,9 mmol/l) có lượng chất béo trong gan vượt quá ngưỡng bình thường, khoảng 1/2 số bệnh nhân xuất hiện tình trạng viêm gan và có các dải xơ gan. Nhưng trong nhiều trường hợp các bệnh nhân đều không biết mình có tổn thương ở gan.

Trên lâm sàng, bệnh gan nhiễm mỡ có ít triệu chứng nên khó chẩn đoán. Một số người cảm thấy đau ở phần trên bên phải của bụng, ngay dưới khung xương sườn. Đôi khi xét nghiệm máu thấy men gan (GOT, GPT) tăng đột biến mà không rõ nguyên nhân. Hoặc có thể tình cờ phát hiện khi siêu âm ổ bụng trong khám sức khỏe định kỳ. 

2.Phương pháp bảo vệ gan

Nếu phát hiện gan nhiễm mỡ ở giai đoạn sớm thì có thể điều trị khỏi thông qua chế độ ăn, chủ yếu là giảm cân, Bác sĩ Cusi nhấn mạnh: Các nghiên cứu cho thấy giảm 10% trọng lượng cơ thể của bạn có thể ngăn chặn gan nhiễm mỡ. Ngoài ra Cusi đã thực hiện một nghiên cứu một loại thuốc điều trị đái tháo đường có tên là Pioglitazone có tác dụng làm giảm tích tụ chất béo trong gan.

Một số phương pháp khác như: 

  • Duy trì cân nặng ổn định, BMI dao động từ 21 – 23.5.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút/ngày và ít nhất 3 ngày trong tuần
  • Hạn chế sử dụng rượu, thuốc lá
  • Không tự ý sử dụng thuốc. Phải có sự tư vấn của bác sĩ
  • Sử dụng các sản phẩm thảo dược bảo vệ gan như: cây kế sữa, cây atiso, diệp hạ châu…

Nếu xét nghiệm máu cho thấy men gan (GOT/GPT) của bạn trên 30 IU/l hãy yêu cầu bác sĩ xem xét bạn có thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ không. Một số nguyên nhân khác có thể gây ra tăng men gan bao gồm lạm dụng rượu, viêm gan B và C và tác dụng phụ của thuốc.

Để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến gan nhiễm mỡ hãy liên hệ với đội ngũ Bác sĩ online để được tư vấn trực tiếp.

Nguồn: 

Kenneth Cusi, MD, chief of the division of endocrinology, diabetes, and metabolism, University of Florida College of Medicine.

Diabetes Care: “Management of Nonalcoholic Fatty Liver Disease in Patients With Type 2 Diabetes: A Call to Action.”


Estrogen

Estrogen: 5 lợi ích bổ trợ sức khoẻ quan trọng khác

Estrogen thường được biết đến là Hormone giới tính quan trọng hàng đầu cho sức khoẻ sinh sản và sinh lý nữ. Gần đây với sự tiến bộ của khoa học, sức khoẻ nữ giới được quan tâm nhiều hơn với những nghiên cứu về chức năng, ảnh hưởng của loại nội tiết đặc biệt này. Và không chỉ  giới y khoa, bản thân chị em phụ nữ cũng ngày càng để ý nhiều hơn tới vấn đề rối loạn nội tiết nữ, thường được mặc định hiểu là mất cân bằng estrogen, gây ra những khó chịu và đôi khi là bệnh tật cho phụ nữ. 

Ở góc độ thiếu tích cực, sự sụt giảm hay thiếu hụt estrogen còn được coi là “tội đồ” gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới cơ thể phụ nữ, đặc biệt là ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

 Tuy nhiên, estrogen không chỉ ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý riêng có của nữ giới như sinh sản, kinh nguyệt…estrogen nên được nhìn nhận đúng đắn hơn về lợi ích của nó tới toàn bộ cơ thể. Trên thực tế, estrogen có một số tác dụng phụ rất tích cực chưa được đề cập nhiều như: bảo vệ tim và não, cải thiện khối cơ, điều chỉnh tâm trạng và cải thiện đời sống tình dục.

Không chỉ giúp ích đối với hệ thống sinh sản nữ như đã được biết từ trước đến nay, những nghiên cứu mới chỉ ra Estrogen là hormone nội tiết hữu ích với hầu hết mọi hệ thống cơ quan trong cơ thể chúng ta.

5 lợi ích cho sức khoẻ của estrogen

1- Estrogen giúp bảo vệ tim mạch

Estrogen giúp bảo vệ trái tim chúng ta được khoẻ mạnh bằng cách giữ cho các mô tim khoẻ, đồng thời với việc hỗ trợ ổn định huyết áp. 

Khi nồng độ estrogen tăng cao, nó sẽ giúp cho lượng triglyceride (một loại chất béo trung tính trong máu) ở mức thấp, làm tăng HDL cholesterol (loại tốt) và giảm LDL cholesterol (loại xấu).

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh tim gia tăng ở những người bị cắt bỏ cả hai bên buồng trứng trước khi mãn kinh. Do vậy, mối liên hệ giữa estrogen và sự khoẻ mạnh của trái tim vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

2- Estrogen hỗ trợ bảo vệ trí não

Bằng việc giúp duy trì lưu lượng máu thích hợp cũng như tham gia vào phản ứng chống viêm và bệnh tật của cơ thể, estrogen đã góp phần giúp hỗ trợ bảo vệ trí não. Hơn thế nữa, hormone này còn hỗ trợ trong việc giúp cải thiện trí nhớ và các kỹ năng vận động được tốt hơn.

Nếu bạn đã trải qua tình trạng sương mù não (tình trạng khó tập trung hoặc mất khả năng suy nghĩ, mới được nhắc đến nhiều hơn thời gian hậu covid-19 vừa qua) thì có thể nguyên nhân là do mức độ estrogen của bạn ở mức thấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng chứng sương mù não tăng lên sau thời kỳ mãn kinh cũng chưa hoàn toàn rõ ràng có liên quan đến nồng độ estrogen hay không.

Một nghiên cứu cho thấy rằng những cá nhân có lượng estrogen ổn định càng lâu thì bộ não càng khoẻ mạnh và trí nhớ tốt hơn khi về già.

3- Khối lượng cơ và mật độ xương được cải thiện với sự bổ trợ của estrogen

Nội tiết tố Estrogen cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương và cải thiện khối lượng cơ. Nó giúp bảo vệ chống lại chứng loãng xương, một tình trạng mà xương trở nên yếu và dễ gãy do sự tiêu huỷ hay mất dần các mô xương.

Trong thời kỳ mãn kinh, khối lượng xương giảm do lượng estrogen giảm khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn.

4- Hormone giúp cải thiện và nâng cao tâm trạng

Trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ thường cảm nhận được sự thay đổi tâm trạng mà điều này đươc lý giải có thể là do sự thay đổi của nồng độ estrogen. 

Hormone này được biết là giúp duy trì đều đặn mức serotonin (một loại nội tiết tố được mệnh danh là “hormone tạo cảm giác dễ chịu”), giúp tăng hiệu quả của endorphin (loại hormone có chức năng giảm đau, tạo hưng phấn và khoái cảm). Nó thậm chí có thể hỗ trợ trong việc bảo vệ các dây thần kinh và khuyến khích sự phát triển của dây thần kinh.

Tuy nhiên, cho đến giờ các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem mức độ thấp hay mức độ cao của estrogen có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn hay không.

5- Chất “cải thiện” quan hệ

Là chất giữ lửa hạnh phúc, Estrogen rất quan trọng đối với đời sống quan hệ tình dục. Hormone giữ cho âm đạo của phụ nữ được bôi trơn. Khi mức độ estrogen thấp, thành âm đạo mỏng đi và tiết ra ít chất bôi trơn hơn.

Trong thời kỳ mãn kinh, độ đàn hồi của âm đạo sẽ giảm xuống do nồng độ estrogen giảm. Đây cũng là lý do vì sao phụ nữ khi bước vào độ tuổi mãn kinh sẽ lạnh nhạt và giảm ham muốn.


Viêm, đau khớp, giảm đau khớp

Một số thảo mộc tốt nhất cho bệnh khớp

Viêm khớp là một thuật ngữ chung mô tả một nhóm các tình trạng y tế có các triệu chứng viêm, đau và cứng khớp. Các loại thảo mộc và các biện pháp tự nhiên khác có thể giúp giảm đau khớp.

Tại Việt nam, những bệnh lý có liên quan đến cơ khớp có thể ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người lớn và cả ở trẻ nhỏ. Các biện pháp tự nhiên, chẳng hạn như các bài thuocs dân gian từ thảo mộc và thực phẩm chức năng, có thể là lựa chọn điều trị an toàn, hiệu quả với ít tác dụng phụ đáng kể.

Cũng như các biện pháp tự nhiên, điều trị y tế, tập thể dục thường xuyên và dinh dưỡng đúng cách và hợp lý cũng có thể giúp mọi người kiểm soát các triệu chứng viêm khớp của họ.

Tuy nhiên, có một số nghiên cứu hạn chế trong lĩnh vực các biện pháp tự nhiên. Các nghiên cứu khoa học thường sử dụng mô hình động vật hoặc nuôi cấy các dòng tế bào để kiểm tra ảnh hưởng của các hợp chất thực vật. Có rất ít thử nghiệm lâm sàng liên quan đến các biện pháp tự nhiên.

Nghiên cứu hiện tại cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn, và những nghiên cứu sâu hơn sẽ tiết lộ nhiều thông tin quan trọng hơn nữa cho cộng đồng nói chung và cho lĩnh vực y tế nói riêng.

  1. Dầu cây lưu ly

Đối với những người bị viêm khớp, khớp sưng đau, dầu cây lưu ly có thể giúp làm giảm đau. Hạt của cây chứa một lượng lớn axit béo omega-6 thiết yếu được gọi là axit gamma -linolenic (GLA). Dầu hạt cây lưu ly cũng chứa axit linolenic, mà cơ thể chuyển đổi thành GLA.

GLA giúp duy trì cấu trúc tế bào và hoạt động mạnh khỏe của các khớp. Cơ thể cũng chuyển đổi GLA thành prostaglandin, hoạt động giống như hormone để hỗ trợ hệ thống miễn dịch. GLA giúp ngăn chặn tình trạng viêm khớp và cũng có thể ngăn chặn một số phản ứng viêm của cơ thể.

Những nghiên cứu quy mô cho thấy, dầu cây lưu ly có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp (RA)

  1. Nghệ

Củ nghệ là một loại gia vị và dược liệu màu vàng rất phổ biến trong các bữa ăn gia đình của người Việt Nam, nhưng chúng lại cái có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nghệ có chứa hợp chất curcumin thực vật với hàm lượng rất cao. Một số nghiên cứu trên động vật và thử nghiệm trên người cho thấy rằng chất curcumin có thể làm giảm chứng viêm mãn tính đặc biệt là sưng đau khớp. Điều này có thể là do chất curcumin làm giảm các tế bào tiền viêm và tăng các tế bào giúp điều chỉnh, làm giảm bớt tình trạng viêm.

Tuy nhiên, nhược điểm là ở liều cao chúng mới có tác dụng giảm đau trong khi cơ thể không thể hấp thụ một lượng lớn curcumin, điều này có thể hạn chế việc sử dụng nó như một liệu pháp điều trị giảm đau hiệu quả.

Theo một nghiên cứu năm 2018, hợp chất piperine, được tìm thấy trong hạt tiêu đen, cũng có thể giúp giảm viêm và cải thiện sự hấp thụ curcumin.

  1. Móng mèo

Có một loại cây thuộc họ cây nho có xuất xứ từ Trung và Nam Mỹ, chúng có những cái gai xinh xinh giống như móng vuốt của một chú mèo xinh xắn, tên khoa học là Uncaria tomentosa, hay “móng mèo”.

Một nghiên cứu năm 2020 phát hiện ra rằng việc bổ sung “móng mèo” giúp cải thiện tình trạng đau và phục hồi chức năng khớp ở những người bị thoái hóa khớp gối hoặc khớp háng.

Móng mèo có vẻ an toàn khi sử dụng nó với một lượng nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên trường hợp phụ nữ đang mang thai hoặc có bệnh về đường tiêu hóa không nên sử dụng các chế phẩm từ cây “móng mèo”.

viêm đau khớp

  1. Tinh dầu khuynh diệp

Hay còn gọi là dầu bạch đàn có thể giúp giảm viêm và đau.

Theo một nghiên cứu năm 2021, dầu từ lá bạch đàn có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Các flavonoid trong lá bạch đàn cũng có đặc tính chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ chống lại stress oxy hóa, biệt ở các trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp do lão hóa.

Nghiên cứu trên thực nghiệm đã cho thấy rằng chiết xuất từ ​​lá bạch đàn làm giảm đáng kể hàm lượng của hai loại enzym gây viêm: interleukin-6 và yếu tố hoại tử khối u-alpha. Điều này có thể giúp giảm các triệu chứng viêm, và làm giảm đau khớp.

Cách sử dụng tinh dầu khuynh diệp hay còn gọi là dầu bạch đàn cũng rất đơn giản. Họ có thể thêm nó vào bồn tắm nước ấm, với nước ấm với một chút gừng và muối để ngâm chân hoặc hít nó trực tiếp.

Chúng tôi khuyến cáo không nên sử dụng trực tiếp dầu khuynh diệp bằng đường uống. Và hết sức thận trọng với những trường hợp có dị ứng với loại dầu này

  1. Trầm hương, Frankincense

Boswellia serrata, hoặc nhũ hương, là nhựa được lấy từ vỏ của cây boswellia. Chất nhựa này có mùi thơm đặc biệt, làm cho nó trở thành một thành phần phổ biến trong nước hoa, hương và tinh dầu. Nó rất nổi tiếng còn được biết đến với tên gọi trầm hương Châu phi.

Nhũ hương cũng có thể mang lại lợi ích cho những người bị viêm mãn tính, nó có chứa một số thành phần có đặc tính chống viêm có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp nói chung.

Một nghiên cứu quy mô được tiến hành từ năm 2016, nhằm đánh giá hiệu quả sinh trắc nghiệm của trầm Hương Châu phi đến tác dụng giảm đau cho thấy các bằng chứng đáng tin cậy và hiệu quả an toàn được ví von như một hợp chất giảm đau tự nhiên. Đặc biệt là trong nghiên cứu này cũng khẳng định tính an toàn của việc sử dụng Frankincense khi dùng kéo dài đối với các bệnh nhân thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp nhằm làm giảm các triệu chứng đau khớp các tác giả còn nhận thấy có tới 60-70% số người tham gia đã thấy xuất hiện cải biệt đáng kể các triệu chứng sau khi sử dụng giúp họ có thể tự đi lại và hạn chế quá trình thoái hóa khớp tiến triển.

  1. Nha đam

Nha đam hay còn gọi là cây lô hội, là một loại cây rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam Nam chúng còn xuất hiện trong một số món ăn như chè nha đam hoặc sữa chua trái cây có bổ sung nha đam.

Nhưng bạn có biết chúng còn có đặc tính chống viêm, chống viêm khớp, và chống lại các bệnh lý về da.

Các hợp chất trong lô hội tạo ra tác dụng chống viêm tương tự như các hợp chất chống viêm không steroid.

Bên cạnh đó các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các hợp chất trong lô hội giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể, giống như chất chống oxy hóa. Các chức năng chống oxy hóa này cũng giúp giảm viêm bằng cách ngăn chặn việc sản xuất các trung gian gây viêm.

  1. Quế

Theo một đánh giá năm 2020, quế có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Đánh giá cho thấy rằng việc bổ sung quế có tác động đáng kể đến các dấu hiệu sinh học cải thiện tình trạng stress oxy hóa và viêm.

Điều này có nghĩa là việc bổ sung quế có thể giúp giảm viêm và mức độ căng thẳng oxy hóa, có thể tác động tích cực đến cơn đau khớp.

  1. Cây nho thần sấm

Cây nho thần sấm là một loại cây phổ biến ở đông nam Trung Quốc, có thể giúp cải thiện các triệu chứng của RA.

Sự kết hợp giữa cây nho thần sấm và các phương pháp điều trị y tế có thể hiệu quả hoặc hiệu quả hơn so với điều trị y tế đơn thuần trong việc cải thiện các triệu chứng sưng và đau khớp.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng cây nho thần sấm có thể có tác dụng phụ, một số có thể nghiêm trọng. Cảnh báo các trường hợp cho con bú hoặc có thai không nên sử dụng cây nho thần sấm do nguy cơ gây đột biến và dị tật bẩm sinh.

  1. Gừng

Theo một nghiên cứu năm 2019, chứng viêm và stress oxy hóa có mối liên hệ chặt chẽ với cơn đau và mức độ nghiêm trọng của các tình trạng tổn thương do bệnh lý khớp, thoái hóa khớp. Gừng có chứa các hợp chất chống viêm và là một phương thuốc truyền thống để giảm đau. Các nghiên cứu mới đây cho thấy gừng có thể thay đổi biểu hiện gen và giảm các triệu chứng của tình trạng viêm khớp.


Đau bụng dưới ở phụ nữ mãn kinh

Đau bụng dưới sau mãn kinh không nên coi thường

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Hầu hết phụ nữ khi tới ngày hành kinh đều bị đau bụng. Nhưng đau bụng dưới vẫn có thể xảy ra sau mãn kinh. Đôi khi, đó là một dấu hiệu bệnh lý, chẳng hạn u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng,…

Đau bụng dưới sau mãn kinh

1. Mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu 12 tháng sau kỳ kinh cuối ở phụ nữ. Giai đoạn mãn kinh thường rơi vào độ tuổi từ 45-55, trung bình ở 51 tuổi.

Các triệu chứng mãn kinh có thể khác nhau ở mỗi người, bao gồm: bốc hỏa, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, rối loạn giấc ngủ,…

Tiền mãn kinh là giai đoạn kéo dài 2-5 năm trước khi kinh nguyệt dừng hẳn. Trong giai đoạn này, kinh nguyệt không đều và thưa dần. Thời kỳ tiền mãn kinh, cơn đau bụng dưới trước kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu hoàn toàn bình thường.

2. Nguyên nhân nào gây đau bụng dưới sau mãn kinh?

U xơ tử cung

U xơ tử cung là khối u lành tính ở cơ trơn thành tử cung. U xơ tử cung có thể dao động về kích thước và số lượng.

Theo nghiên cứu, phần lớn u xơ tử cung gặp ở phụ nữ 30-45 tuổi; nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.

Các khối u xơ thường ngừng phát triển hoặc nhỏ lại khi bước sang thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn có thể gặp các triệu chứng của u xơ tử cung, chẳng hạn đau bụng dưới sau mãn kinh

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở các vị trí bên ngoài tử cung, chẳng hạn như ở buồng trứng, ống dẫn trứng, trực tràng,…

Lạc nội mạc tử cung phổ biến nhất ở phụ nữ từ 30 đến 40 tuổi. Hiếm khi nhưng vẫn có thể gặp ở phụ nữ sau mãn kinh.

Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí niêm mạc bị lạc chỗ và có thể bao gồm đau bụng kinh, rối loạn tiểu tiện, quan hệ đau, đau trong khi đại tiện.

Táo bón mạn tính

Táo bón mãn tính cũng là một nguyên nhân phổ biến của đau bụng dưới và rối loạn tiêu hóa.

Thông thường định nghĩa, táo bón mạn tính là tình trạng đi đại tiện không thường xuyên dưới 3 lần/tuần. Phân có thể cứng, khô hoặc vón cục và gây đau đớn, khó đi ngoài.

Một số nguyên nhân gây táo bón: chế độ ăn uống thiếu chất xơ, tác dụng của một số loại thuốc, lười vận động hoặc một số tình trạng bệnh lý.

Viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là một loại nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bệnh có thể gây ra đau bụng vùng chậu cùng với buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Tác nhân gây viêm dạ dày ruột có thể do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng.

Tùy theo nguyên nhân, các triệu chứng có thể xảy ra 1-3 ngày sau bị nhiễm và kéo dài 1-2 ngày hoặc có thể đến 10 ngày.

Ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung

Ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung có thể đau bụng và đau vùng chậu. Nguy cơ mắc các loại ung thư này tăng lên ở phụ nữ lớn tuổi và tiền sử gia đình có người mắc ung thư buồng trứng, ung thư tử cung.

Các triệu chứng khác của ung thư này có thể bao gồm: ra máu âm đạo bất thường, đầy bụng, sụt cân bất thường.

3. Khi nào cần đi khám?

Nếu đau bụng hoặc đau vùng chậu kèm theo các triệu chứng khác, đặc biệt là chảy máu âm đạo sau mãn kinh thì nên đi khám càng sớm càng tốt. 

Trường hợp phụ nữ lo lắng nhiều về đau bụng dưới sau mãn kinh cũng nên đi khám để xác định nguyên nhân.

4. Chẩn đoán

Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi về dấu hiệu đau bụng và các triệu chứng khác, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. 

Để xác định nguyên nhân đau bụng dưới ở phụ nữ sau mãn kinh, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm chẩn đoán như:

Siêu âm qua đường âm đạo là phương pháp siêu âm sử dụng một đầu dò thuôn, dài đưa nhẹ nhàng vào âm đọa.

Nội soi buồng tử cung là một kỹ thuật cho phép quan sát buồng tử cung của người phụ nữ.

Sinh thiết nội mạc tử cung là một xét nghiệm, trong đó bác sĩ lấy một mẩu nhỏ niêm mạc tử cung rồi quan sát dưới kính hiển vi để đánh giá bất thường của niêm mạc tử cung (nếu có).

5. Điều trị

Phương pháp điều trị đau bụng dưới sau mãn kinh tùy thuộc vào nguyên nhân. Trong trường hợp ung thư nội mạc tử cung, tùy theo giai đoạn, bệnh nhân có thể được phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung; sau đó kết hợp hóa trị hoặc xạ trị.

Quý khách có thể nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để được tư vấn trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh.


Mãn kinh sớm là gì

Mãn kinh sớm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Do phẫu thuật hoặc bệnh lý, một số phụ nữ đã đến thời kỳ mãn kinh trước 40 tuổi. Mãn kinh sớm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần của người phụ nữ.

Nguyên nhân mãn kinh sớm là gì

Dấu hiệu mãn kinh sớm là gì?

Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi 45 đến 55, trung bình là 51 tuổi. Trường hợp phụ nữ mãn kinh trước độ tuổi này là mãn kinh sớm.

Phụ nữ mãn kinh sớm có thể gặp các triệu chứng khác nhau.

Biểu hiện đầu tiên của mãn kinh sớm thường là bất thường chu kinh nguyệt. Chu kỳ dài hơn hoặc ngắn hơn đáng kể so với bình thường.

Các triệu chứng mãn kinh sớm còn có:

– Ra máu bất thường giữa kỳ kinh

– Mỗi lần có kinh kéo dài quá một tuần

– Thời gian giữa các chu kỳ kinh kéo dài

– Ra máu kinh nhiều hơn bình thường

Ngoài ra, các triệu chứng khác gồm:

– Khô âm đạo

– Cơn nóng bừng (Bốc hỏa)

– Thay đổi cảm xúc thất thường

– Giảm ham muốn tình dục

– Khó ngủ hoặc mất ngủ

– Mất khả năng kiểm soát bàng quang hay tiểu không tự chủ (tiểu són)

– Đổ mồ hôi ban đêm

Cần lưu ý, các triệu chứng này có thể không phải mãn kinh sớm. Nên đi khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân khi gặp các dấu hiệu trên.

Nguyên nhân nào gây mãn kinh sớm?

Trong một số trường hợp, mãn kinh sớm biểu hiện sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật. Chẳng hạn, phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng gây mãn kinh ngay lập tức. Một số nguyên nhân khác nhau cần cắt bỏ buồng trứng như: ung thư buồng trứng hoặc phẫu thuật điều trị ung thư tử cung.

Điều trị ung thư: Hóa trị hoặc xạ trị cũng có thể gây suy chức năng buồng trứng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Do đó, dẫn tới mãn kinh sớm.

Nguy cơ mãn kinh sớm khi hóa trị, xạ trị phụ thuộc:

– Tuổi tác: Phụ nữ trẻ tuổi có khả năng phục hồi tốt hơn. Một số bệnh nhân trẻ bị ngừng có kinh nguyệt trong khi hóa trị. Nhưng sau khi kết thúc hóa trị một thời gian, kinh nguyệt có thể bắt đầu trở lại.

– Loại thuốc dùng trong hóa trị: Các loại thuốc khác nhau ảnh hưởng tới buồng trứng mức độ khác nhau.

– Vị trí xạ trị trên cơ thể: xạ trị quanh vùng não hoặc khung chậu làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm. Nguyên nhân do làm tổn thương buồng trứng nhiều hơn hoặc tổn thương trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng.

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây mãn kinh sớm bao gồm: di truyền, thói quen hút thuốc, ít vận động, béo phì, khiếm khuyết nhiễm sắc thể, bệnh động kinh, bệnh tự miễn.

Chẩn đoán mãn kinh sớm như thế nào?

Khoảng thời gian trước mãn kinh (tiền mãn kinh), chu kỳ kinh nguyệt không đều và thưa dần. Kèm theo các triệu chứng như cơn nóng bừng, đổ mồ hôi ban đêm,…

Mãn kinh được xác định sau 12 tháng liên tiếp không có chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng không do bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Không cần thiết phải đi khám để chẩn đoán mãn kinh. Hầu hết phụ nữ trung niên có thể tự đoán thời kỳ mãn kinh của mình qua các triệu chứng gặp phải.

Nếu không chắc chắn các triệu chứng do mãn kinh hoặc lo lắng có bệnh lý hay vấn đề sức khỏe khác, nên tới cơ sở y tế khám để xác định chắc chắn nguyên nhân.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nồng độ hormone để xác định các dấu hiệu do mãn kinh hay vấn đề sức khỏe nào khác.  

Điều trị triệu chứng mãn kinh sớm bằng cách nào?

Mãn kinh sớm thường không cần điều trị. Nhưng vẫn có các liệu pháp cải thiện các triệu chứng mãn kinh. Từ đó, giúp phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, phụ nữ mãn kinh trước 40 tuổi cần điều trị bổ sung các hormone cần thiết cho cơ thể cho đến tuổi mãn kinh tự nhiên.

Phương pháp điều trị phổ biến là liệu pháp hormone thay thế. Hormone estrogen được bổ sung cho cơ thể ở nhiều dạng khác nhau như viên uống, miếng dán da,…

Nhưng liệu pháp hormone thay thế thường đi kèm với tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư vú, đột quỵ não. Do đó, cần đi khám và nhận tư vấn từ bác sĩ về biện pháp điều trị, cân nhắc nguy cơ và lợi ích trước khi sử dụng liệu pháp trên.

Vấn đề sức khỏe có liên quan khác 

Tình trạng phổ biến nhất liên quan đến mãn kinh sớm là hết khả năng sinh sản. Bước vào thời kỳ mãn kinh có nghĩa khó có thể thụ thai và sinh con tự nhiên.

Khi mãn kinh, lượng estrogen sụt giảm làm tăng nguy cơ một số bệnh lý và vấn đề sức khỏe như: loãng xương, bệnh lý tim mạch, sa sút trí tuệ, rối loạn sức khỏe tâm thần,…

Liệu có thể đảo ngược quá trình này không?

Cho đến nay, chưa có biện pháp nào được khoa học chứng minh hiệu quả đảo ngược mãn kinh sớm. Song một số phương pháp điều trị giúp cải thiện các triệu chứng mãn kinh.

Năm 2016, nhóm các khoa học tại Hy Lạp công bố một nghiên cứu hứa hẹn giúp phụ nữ thời kỳ mãn kinh có thể thụ thai và sinh con tự nhiên.

Vẫn cần thêm các nghiên cứu đánh giá hiệu quả và an toàn của phương pháp điều trị trên, đem lại hy vọng đảo ngược quá trình này.

Quý khách có thể nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để được tư vấn trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh.


Hội chứng ruột kích thích sau mãn kinh

Hội chứng ruột kích thích tồi tệ hơn khi mãn kinh?

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Hội chứng ruột kích thích và mãn kinh đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone sinh dục giảm mạnh và có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.

Hội chứng ruột kích thích tồi tệ hơn khi mãn kinh

Mãn kinh có gây ra hội chứng ruột kích thích không?

Mãn kinh không gây ra hội chứng ruột kích thích. 

Ruột hoạt động tương tự một “bộ não thứ hai” trong cơ thể. Hàng triệu tế bào thần kinh phân bố rộng khắp hệ tiêu hóa, được gọi là hệ thần kinh ruột. Chúng có vai trò kiểm soát nhu động ruột, quá trình trao đổi chất qua niêm mạc và sản xuất các nội tiết tố ở ruột.

Hệ thần kinh ruột không chỉ hoạt động độc lập, mà còn liên hệ chặt chẽ với thần kinh trung ương. Mối liên hệ này mang tính chất hai chiều và được gọi là trục não ruột.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của trục não ruột. Hội chứng này khác với các triệu chứng tiêu hóa chung và tạm thời có thể xảy ra do thay đổi nồng độ hormone sinh dục.

Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích có thể bắt đầu biểu hiện vào thời kỳ mãn kinh. Và mãn kinh cũng có thể khiến các triệu chứng ruột kích thích tồi tệ hơn.

Một số ít người bị hội chứng ruột kích thích sau khi bị nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa. Đây được gọi là hội chứng ruột kích thích sau nhiễm khuẩn.

Nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến đường ruột như thế nào?

Thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone sụt giảm. 

Estrogen và progesterone góp phần điều hòa cơ ống tiêu hóa hoạt động trơn tru và ổn định để di chuyển thức ăn qua dạ dày và ruột. Táo bón hoặc tiêu chảy có thể xảy ra khi thiếu hụt estrogen và progesterone.

Estrogen và progesterone cũng tham gia kiểm soát hoạt động tiết acid dạ dày và dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Khi nồng độ hormone giảm, cơ thể không sản xuất đủ lượng acid dạ dày và dịch mật cần thiết. Dẫn tới tiêu chảy, táo bón và các triệu chứng khác, chẳng hạn như trào ngược dạ dày, đầy hơi.

Điều trị hội chứng ruột kích thích như thế nào?

Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích kết hợp giữa thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng thuốc.

Điều chỉnh chế độ ăn: Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ giúp giúp cải thiện tình trạng táo bón. Tránh các thức ăn và đồ uống kích thích, chẳng hạn như cà phê. Hạn chế các thực phẩm sinh hơi như đậu, sữa.

Thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu. Tập thói quen đi đại tiện vào khung giờ cố định trong ngày.

Hãy tuân thủ thuốc điều trị mà bác sĩ kê đơn (nếu có): Thuốc nhuận tràng hoặc chống tiêu chảy, thuốc kháng cholinergic, thuốc giảm đau,…


10 điều phụ nữ nên biết về mãn kinh

10 sự thật về mãn kinh mọi phụ nữ nên biết

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Thời kỳ mãn kinh đánh dấu sự kết thúc độ tuổi sinh sản ở người phụ nữ. Đó là một quá trình tự nhiên liên quan đến những thay đổi về nội tiết tố và sinh lý. Hiểu rõ những thay đổi sẽ xảy ra có thể giúp phụ nữ bước sang tuổi mãn kinh dễ dàng hơn.

Mãn kinh: 10 sự thật mọi phụ nữ nên biết

1. Mãn kinh không xảy ra đột ngột

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu 12 tháng sau kỳ kinh cuối cùng. Mãn kinh thường ở độ tuổi 40-58 và trung bình 51 tuổi.

Nếu phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, thời kỳ mãn kinh sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức.

Một số phương pháp điều trị, chẳng hạn như hóa trị, có thể kích hoạt thời kỳ mãn kinh. Tình trạng này có thể tạm thời và kinh nguyệt sẽ trở lại một thời gian sau khi điều trị kết thúc.

Một số bệnh lý cũng có thể khiến thời kỳ mãn kinh bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn.

2. Tiền mãn kinh có thể bắt đầu ở độ tuổi 40

Tiền mãn kinh là giai đoạn trước khi mãn kinh. Giai đoạn này có thể kéo dài trong 4-8 năm. Bước sang độ tuổi 40, nồng độ nội tiết tố estrogen và progesterone giảm dần và thời kỳ tiền mãn kinh bắt đầu. 

Chu kỳ kinh nguyệt thưa dần, xuất hiện không đều cho đến khi dừng hoàn toàn. Các triệu chứng mãn kinh bắt đầu xuất hiện.

Với phụ nữ ở độ tuổi 40, chậm kinh có thể là dấu hiệu mang thai hoặc mãn kinh.

3. Khó tránh khỏi các triệu chứng

Mãn kinh không phải là tình trạng bệnh lý, nhưng những thay đổi nội tiết tố có thể gây ra các triệu chứng. Mức độ có thể từ nhẹ tới nặng. Các triệu chứng có thể gặp như:

Nóng bừng: Cảm giác nóng đột ngột ở phần trên cơ thể ảnh hưởng đến 75% phụ nữ. Các cơn bốc hỏa thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm, cũng có thể kéo dài đến 10 năm hoặc lâu hơn. 

Đổ mồ hôi ban đêm: Những cơn bốc hỏa vào ban đêm gây ra tình trạng đổ mồ hôi đêm.

Khó ngủ: Đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng và lo lắng có thể khiến bạn khó ngủ.

Khô âm đạo: Kết quả có thể gây đau khi quan hệ tình dục.

Giảm ham muốn tình dục: Ham muốn tình dục có thể giảm khi lượng hormone sụt giảm. Khô âm đạo cũng có thể khiến việc quan hệ tình dục không thoải mái.

Thay đổi tâm trạng: Nồng độ hormone dao động và các yếu tố môi trường có thể góp phần gây ra căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

Loãng xương: Thay đổi nội tiết tố có thể góp phần gây loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương. 

4. Tình dục tuổi mãn kinh

Một số phụ nữ lo sợ rằng mãn kinh có nghĩa là họ sẽ kém hấp dẫn hơn hoặc không thể tận hưởng một cuộc sống tình dục trọn vẹn. Tuy nhiên, thời kỳ có thể mang một ý nghĩa mới về chuyện chăn gối, vì lo lắng về kinh nguyệt và mang thai giảm bớt.

Phụ nữ hoặc bạn đời có thể có những băn khoăn về chuyện tình dục. Giao tiếp cởi mở có thể giúp cả hai người vượt qua rào cản thời kỳ này. 

5. Cơ thể vẫn sản xuất hormone

Cơ thể không ngừng sản xuất estrogen sau mãn kinh. Estrogen đóng một vai trò trong các chức năng quan trọng khác. Và cơ thể vẫn cần một số estrogen, mặc dù với lượng nhỏ hơn.

Tuy nhiên, buồng trứng không còn tiết estrogen. Thay vào đó, các tuyến thượng thận sản xuất các hormone gọi là nội tiết tố androgen và aromatase, một loại hormone khác, chuyển đổi chúng thành estrogen.

6. Tăng cân ở tuổi mãn kinh

Nhiều phụ nữ tăng cân khi bước sang tuổi kỳ mãn kinh. Nhưng vẫn có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả bằng dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể lực phù hợp.

Lý do tăng cân có thể bao gồm: 

– Tăng cảm giác đói do thay đổi các hormone kiểm soát cơn đói. 

– Thay đổi sự trao đổi chất do các yếu tố nội tiết tố

– Chế độ ăn uống kém lành mạnh

– Ít hoạt động thể lực.

Tránh thừa cân giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ trung niên.

7. Stress thời kỳ mãn kinh

Nhiều phụ nữ khó tập trung và giảm khả năng ghi khi bước sang tuổi mãn kinh. Căng thẳng (stress) là một yếu tố ảnh hưởng đáng quan tâm.

Lý do gây căng thẳng có thể bao gồm: Các thay đổi về sinh lý trong cơ thể; áp lực cuộc sống gia đình và công việc; lo lắng về các vấn đề về tuổi tác.

Một số biện pháp giúp giảm tình trạng căng thẳng: tập thể dục thường xuyên, tham gia một lớp học yoga. Ghi chú công việc cần làm. Nếu có thể, tìm cách cân bằng giữa trách nhiệm và lợi ích cá nhân. Thường xuyên giao lưu với bạn bè và gia đình…

8. Vẫn có thể mang thai

Mãn kinh đánh dấu sự kết thúc những năm sinh sản của phụ nữ, nhưng cần lưu ý phụ nữ vẫn có thể mang thai trong khoảng thời gian này hoặc sau đó.

Các chu kỳ kinh nguyệt không đều và thưa dần và phụ nữ vẫn có thể mang thai. 

Những tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản đồng nghĩa có thể mang thai sau khi mãn kinh. Điều này có thể thực hiện với trứng hoặc phôi đã được lấy và bảo quản trước đó.

Tuy nhiên, nguy cơ sẩy thai, sinh non và các rủi ro cao hơn, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người tại thời điểm thụ thai.

9. Các biện pháp điều trị hiện nay

Điều trị hormone: Có thể giải quyết nhiều vấn đề bằng cách cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể không phù hợp với những người có nguy cơ đông máu, đột quỵ, ung thư vú, sa sút trí tuệ và bệnh lý túi mật. 

Thuốc chống trầm cảm: Liều thấp paroxetine có thể giúp điều trị chứng bốc hỏa.

Cải thiện chất lượng quan hệ tình dục: Sử dụng chất bôi trơn hoặc thuốc nội tiết dưới dạng vòng, kem hoặc viên nén để bôi trực tiếp giúp giảm khôi âm đạo.

Ngăn ngừa loãng xương: Thăm khám sức khỏe thường xuyên để đánh giá mật độ xương. Nếu kết quả cho thấy mật độ xương ngày càng giảm, có thểbổ sung vitamin D kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục để giảm nguy cơ loãng xương.

Ngoài ra, tập thể dục đều, hạn chế uống rượu, cà phê và duy trì thói quen ngủ lành mạnh cũng góp phần nâng cao sức khỏe.

10. Mãn kinh: Một khởi đầu mới

Mãn kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ, nhưng không phải là một căn bệnh. Và cũng không có nghĩa là cơ thể suy yếu hay già đi.

Các triệu chứng mãn kinh có thể xuất hiện ở độ tuổi trung bình là 50. Tuổi thọ của phụ nữ ngày một tăng và mối quan tâm với lão hóa ngày càng tăng.

Để được tư vấn các vấn đề về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh bởi Đội ngũ Bác sĩ, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online.


Men gan cao có nguy hiểm không?

Men gan cao là biểu hiện của chức năng gan bị rối loạn. Một vài nguyên nhân như virus, các chất độc (hóa chất, bia, rượu ) làm tổn thương, gây viêm tế bào gan từ đó giải phóng các enzym vào trong máu.

1. Các nguyên nhân gây tăng men gan

  • Rối loạn chuyển hóa: Hầu hết các nguyên nhân gây tăng men gan là do gan nhiễm mỡ. Nghiên cứu chỉ ra rằng 25-51% tăng men gan trên nền gan nhiễm mỡ.
  • Virus viêm gan: là nguyên nhân điển hình làm tăng men gan một cách đột biến. Chứng tỏ virus trong đợt hoạt động
  • Lạm dụng bia rượu: Bởi lượng cồn hấp thụ cao trong thời gian dài sẽ tác động và làm tổn thương gan, đồng thời nồng độ men gan cũng trở nên bất thường.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc làm tăng men gan như thuốc kháng COVID, thuốc giảm đau (Paracetamol)…
  • Do bệnh lý về đường mật: Sỏi mật, viêm đường mật
  • Ký sinh trùng như sán lá gan lớn, sán lá gan bé

2. Men gan cao có nguy hiểm không?

Chỉ số men gan giúp phản ánh tình trạng chức năng đang bị rối loạn và cho biết mức độ tổn thương của gan.

– Nếu chỉ số men gan tăng 1 – 2 lần (60 – 80 IU/L) cảnh báo nguy cơ gan nhiễm mỡ, sử dụng rượu, bia mức độ nhiều.

– Nếu chỉ số men gan tăng 3 – 4 lần (100 -150 IU/L) cảnh báo chức năng gan bị suy giảm 

– Nếu chỉ số men gan từ 150 – 200 IU/L, hoặc > 200 IU/L thì gây tổn hại nghiêm trọng đến tế bào gan, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan

– Men gan tăng, nếu được khống chế, kiểm soát và điều trị kịp thời sẽ không gây hại cho sức khỏe. Ngược lại, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách thì bệnh sẽ càng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh.

3. Các triệu chứng của tăng men gan

Nếu men gan tăng nhẹ từ 1 – 2 lần so với giới hạn bình thường thì cơ thể chưa có triệu chứng rõ rệt. Song nếu chỉ số tăng cao thì các triệu chứng ngày càng rõ rệt:

+ Mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi đầy đủ

+ Đau mỏi, yếu cơ

+ Buồn nôn, nôn

+ Đau bụng, có thể đau vùng bụng bên phải

+ Sốt nhẹ

+ Nước tiểu có màu đậm (màu như nước vối hoặc nước chè đặc)

+ Nổi mẩn, mề đay, ngứa da

+ Vàng mắt, vàng da

4. Cách xử trí

Căn cứ vào nguyên nhân gây men gan cao, cơ chế gây bệnh dựa trên các xét nghiệm cơ bản để có phác đồ điều trị hiệu quả. 

– Men gan cao do virus viêm gan thì cần phác đồ điều trị là thuốc kháng virus, thuốc bảo vệ tế bào gan.

– Nếu tăng men gan do tiếp xúc với hóa chất độc hại, bia, rượu, thuốc lá… thì việc điều trị hiệu quả nhất là dừng tiếp xúc với hóa chất. Không sử dụng bia, rượu, thuốc lá. Kết hợp các thuốc tăng cường chức năng gan, giúp quá trình thải độc hiệu quả.

5. Phòng ngừa

Duy trì chế độ hợp lý là chìa khóa nâng cao sức khỏe cũng như có một lá gan khỏe mạnh

* Chế độ ăn: Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, ăn nhiều rau xanh, hoa quả cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể

* Vận động: Luyện tập thể dục thường xuyên 30 phút/ngày giúp cơ thể nâng cao thể lực và sức đề kháng.

* Bổ sung một số thực phẩm từ thiên nhiên giúp bảo vệ gan hiệu quả như bông Astiso, Cây diệp hạ châu (cây chó đẻ), cây cà gai leo…..

Men gan tăng cao là dấu hiệu cảnh báo chức năng gan bị rối loạn và cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Để được tư vấn trực tiếp và giải đáp thắc mắc hãy liên hệ đội ngũ Bác sĩ Online.

Nguồn:

+ Elevated liver enzymes (2011)

+ Oh, R. C., et al. (2017). Mildly elevated liver transaminase levels: Causes and evaluation.