béo bụng

Mối liên quan giữa chỉ số BMI và bệnh lý gan

Một nghiên cứu gần đây cung cấp thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) cao khi còn trẻ và nguy cơ mắc bệnh gan trong tương lai. Các nhà khoa học khuyên nên có các can thiệp sớm hơn và sàng lọc các yếu tố mắc bệnh cho những người có nguy cơ.

Chỉ số BMI (Body Mass Index) hay chỉ số khối lượng cơ thể. Dựa vào chỉ số BMI của một người có thể biết được người đó béo, gầy hay có cân nặng lý tưởng.

Công thức tính chỉ số BMI tương đối đơn giản, chỉ dựa vào 2 chỉ số là chiều cao và cân nặng:

BMI = Cân nặng / [(Chiều cao)x(Chiều cao)]

Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg.

Chỉ số BMI không áp dụng cho phụ nữ có thai, vận động viên, người tập thể hình.

Phân loại Chỉ số BMI
Gầy (thiếu cân) < 18.5
Bình thường 18.5 – 22.99
Thừa cân 23 – 24.9
Béo phì độ 1 25-30
Béo phì độ 2 > 30

Theo thống kê tỷ lệ béo phì đang gia tăng trên toàn cầu. Dự đoán có tới 1 tỷ người sẽ bị xếp vào loại béo phì vào năm 2030.

Hiện tại, ở một số bang của Mỹ, hơn 35% dân số bị béo phì. Béo phì gây ra một loạt các hậu quả xấu đến sức khỏe, bao gồm mỡ máu, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, ung thư và một số bệnh viêm xương khớp.

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện có mối liên hệ giữa tình trạng béo phì ở những người trẻ và bệnh gan sẽ mắc trong tương lai. Các bệnh gan này bao gồm viêm gan B và C mãn tính, bệnh viêm gan không do rượu.

1. Mối liên hệ giữa bệnh gan và chỉ số BMI

Các nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ số BMI cao ở nam giới tuổi vị thành niên có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong hoặc tăng tỷ lệ nhập viện do bệnh gan giai đoạn cuối ở tương lai.

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Hannes Hagström, thuộc Trung tâm Bệnh tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Karolinska ở Thụy Điển, nghiên cứu dữ liệu của 1,2 triệu người đàn ông Thụy Điển nhập ngũ từ năm 1969 đến năm 1996. Những người tham gia được theo dõi từ 1 năm sau khi nhập ngũ, cho đến cuối năm 2012. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gut. Có 5.281 trường hợp mắc bệnh gan mức độ nặng, trong đó có 251 trường hợp ung thư gan.

2. Tăng 50% nguy cơ mắc bệnh gan

Các nhà điều tra đã loại bỏ các đối tượng bị bệnh gan từ trước. Phân tích cho thấy những người đàn ông thừa cân có nguy cơ mắc bệnh gan về sau cao hơn gần 50% so với những người đàn ông có trọng lượng bình thường. Tương tự, những người đàn ông béo phì có nguy cơ mắc bệnh gan cao gấp đôi.

Tác động này thậm chí còn rõ rệt hơn ở những người đàn ông mắc đái tháo đường type 2. Những người tham gia nghiên cứu có thể trạng béo phì và mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc bệnh gan cao gấp 3 lần khi họ bước sang tuổi trung niên, so với những người đàn ông có cân nặng bình thường không mắc bệnh tiểu đường loại 2.

“Điều này có thể có ý nghĩa với việc ra quyết định về nâng cao sức khỏe cộng đồng, tăng cường các biện pháp can thiệp có mục tiêu ngăn ngừa thừa cân và béo phì ở độ tuổi thanh niên và đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ đái tháo đường type 2 như một yếu tố nguy cơ của bệnh gan”

Vì nghiên cứu này là quan sát, không thể rút ra kết luận liên quan đến nguyên nhân và kết quả. Các tác giả kết luận với khuyến cáo nên có các biện pháp can thiệp sớm hơn ở những người có nguy cơ mắc bệnh gan cao, họ cho rằng “Các can thiệp giúp giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì nên được thực hiện ngay từ khi còn nhỏ để giảm gánh nặng tương lai do bệnh gan mức độ nặng cho cá nhân và xã hội”.


Tại sao lá gan lại quan trọng đối với sự sống

 

Vậy chức năng chính của gan là gì ?

* Chuyển hóa chất dinh dưỡng

Bất cứ thứ gì chúng ta ăn cho dù đó là thức ăn, rượu, thuốc… chúng sẽ được tiêu hóa bởi dạ dày và ruột, sau đó hấp thụ vào máu vận chuyển đến gan và được chuyển hóa.

* Sản xuất mật

Mật có tác dụng giúp ruột non hấp thụ chất béo và một số vitamin tan trong dầu như vitamin A,D, E, K một cách dễ dàng.

* Hấp thu và chuyển hóa Bilirubin 

Khi hồng cầu già trong máu theo chu trình đào thải của cơ thể sẽ thoái biến thành bilirubin. Lượng sắt có trong hồng cầu sẽ được lưu trữ ở gan và tủy xương. Tiếp tục cho quá trình tạo tế bào máu của cơ thể.

* Chuyển hóa các chất glucose, protein, lipid

Trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, chức năng giúp ổn định đường huyết của bạn. Nếu lượng đường trong máu của bạn tăng, ví dụ sau bữa ăn, gan sẽ đẩy đường ra khỏi máu và lưu trữ dưới dạng glycogen. Nếu lượng đường trong máu của bạn quá thấp, gan sẽ phá vỡ glycogen và đưa đường vào máu. Gan cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein. Theo đó, các tế bào gan sẽ “cải tạo” lại các a-xít amin có trong thực phẩm để cơ thể có thể sử dụng để sản xuất năng lượng hoặc các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi sống cơ thể. 

* Chức năng thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố

Máu từ các cơ quan tiêu hóa đến gan thường mang theo chất dinh dưỡng, thuốc và cả các chất độc hại. Lúc này, gan phát huy chức năng giải độc cho cơ thể bằng cách xử lý, chuyển đổi các chất độc hại thành một chất ít độc hại hơn sau đó được vận chuyển đến thận và bị đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Nếu chức năng gan bị rối loạn, các chất độc sẽ  tích tụ trong máu gây ra tổn thương đa cơ quan như tim, thận, não…

Một số bệnh lý gan hay gặp

Bệnh lý có thể xảy ra cấp tính nghĩa là các triệu chứng xuất hiện trong vòng 4 tuần sau khi khởi phát, hoặc nó có thể trở thành mạn tính nếu các triệu chứng diễn ra trên 4 tuần. Bệnh gan cấp tính xuất hiện đột ngột, thường là do nhiễm độc hoặc nhiễm trùng như viêm gan virus. Trong khi đó, bệnh gan mạn tính các triệu chứng xuất hiện dần dần, thường xuyên hơn nhiều tháng hoặc nhiều năm. Cả hai loại đều có thể dẫn đến suy chức năng gan.

Bệnh gan mạn tính thường đáp ứng tốt với điều trị hoặc thay đổi lối sống, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi mọi người có các triệu chứng còn nhẹ.

Một số ví dụ về bệnh bao gồm:

  • Gan nhiễm mỡ
  • Viêm cấp/mạn
  • Xơ gan
  • Nhiễm độc
  • Hẹp đường mật (Sỏi, viêm đường mật)

Làm sao để có thể bảo vệ lá gan của bạn?

─  Hạn chế rượu bia, thuốc lá: Nếu có sử dụng rượu bia hay trong hoàn cảnh phải sử dụng rượu bia thì nên dùng với lượng vừa phải theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): 25 ml/ngày (rượu 40 độ), tuyệt đối không nên uống rượu khi mắc các bệnh về gan. Hạn chế hay tốt nhất là không hút thuốc lá.

─  Dinh dưỡng hợp lý: Chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh và ăn uống đầy đủ, cân bằng các loại chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, ăn nhiều thực phẩm tươi, giàu chất xơ: rau xanh, trái cây,…tránh ăn nhiều đồ chiên, nướng, uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2,5 lít/ngày).

─  Tăng cường vận động: Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và điều độ là một trong những phương pháp tuyệt vời vì tính đơn giản, hiệu quả, ít tốn kém để giữ cho cơ thể luôn được khỏe mạnh mỗi ngày.

─  Khám sức khỏe định kỳ: Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để biết tình trạng của gan đồng thời sẽ được bác sĩ tư vấn tiêm phòng vaccin khi chưa bị viêm gan do virus hay điều trị kịp thời nếu mắc các bệnh.

– Tránh quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm virus VGB,C.

Nguồn: 

  • Kalra, A., et al. (2021). Physiology, liver.
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535438/
  • Liver disease. (n.d.).
    https://www.niddk.nih.gov/health-information/liver-disease