Bạn biết gì về “Răng COVID”?

Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về COVID-19 với hàng loạt triệu chứng khác nhau. Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận một triệu chứng được các nhà chuyên môn quan tâm, đó là cụm từ còn khá lạ lẫm “Răng COVID – COVID Teeth”.

Tham vấn y khoa: ThS. BS. Đào Trung Hải

Bạn biết gì về "Răng COVID"?

1. Các triệu chứng COVID-19 ở miệng, răng và nướu

SARS-CoV-2 tấn công tế bào người bệnh qua thụ thể ACE2. Thụ thể ACE2 giống như cánh cửa phía trước cho phép vi rút xâm nhập vào tế bào.

Bạn thử đoán xem tế bào có nhiều thụ thể ACE2 có ở đâu? Câu trả lời là Khoang miệng, lưỡi và nướu là những cơ quan nơi các tế bào có sự hiên diện nhiều thụ thể này. 

Và điều đặc biệt là, những người có sức khỏe răng miệng kém lại có xu hướng có nhiều thụ thể ACE2 hơn.

Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ nghiêm trọng của bệnh răng miệng và diễn biến bệnh COVID-19 nặng. Theo thống kê có khoảng 75% những người bị bệnh răng miệng nghiêm trọng phải nhập viện do COVID-19. Trong khi đó, nhóm những người không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào của bệnh răng miệng, không ai phải nhập viện.

Điều này có thể được lý giải do những người có sức khỏe răng miệng kém thường có xu hướng mắc các bệnh mãn tính khác.

Các vấn đề về răng miệng không nằm trong nhóm triệu chứng covid phổ biến

Trong nghiên cứu tổng quan hệ thống gồm 54 nghiên cứu mô tả các triệu chứng COVID-19, đau răng hoặc các triệu chứng liên quan đến khoang miệng không nằm trong nhóm 12 triệu chứng được báo cáo nhiều nhất. Sốt (81,2%), ho (58,5%) và mệt mỏi (38,5%) là những triệu chứng phổ biến nhất.

Nhưng điều này không có nghĩa người nhiễm COVID-19 không gặp các triệu chứng về răng miệng.

2. Điều trị đau “Răng COVID”

Nếu bị đau răng khi nhiễm COVID-19, có thể sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen. Chườm lạnh bằng khăn ẩm bên ngoài má cũng có thể hiệu quả.

Trường hợp viêm nhiễm vùng miệng khi mắc COVID-19, chẳng hạn như nấm miệng, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và kê đơn cụ thể. 

Người bệnh COVID-19 bị sâu răng, nhiễm khuẩn răng bùng phát nên đi khám nha sĩ nếu dùng thuốc chống viêm, giảm đau không có tác dụng.

3. Một số câu hỏi về COVID-19 và sức khỏe răng miệng

Chảy máu nướu răng có phải là triệu chứng của COVID-19 không?

Chảy máu nướu răng không được liệt kê là một triệu chứng phổ biến của COVID-19. Tăng đông máu thay vì chảy máu được báo cáo một biểu hiện của COVID-19.

Tuy nhiên, chảy máu nướu răng có thể là dấu hiệu của bệnh nướu răng. Bạn không nên bỏ qua chúng. Bạn có thể tới khám nha sĩ khi sức khỏe đã hồi phục tốt hơn sau COVID-19.

COVID-19 có gây phát ban trong miệng không?

Phát ban hay từ dân gian thường gọi là nhiệt miệng không phải là một triệu chứng COVID-19 thường gặp.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Guan và các đồng nghiệp, chỉ có 2 trong số 1.099 người mắc COVID-19 có triệu chứng phát ban, nhiệt miệng.

Cho đến này, chưa có tài liệu y văn nào báo cáo biểu hiện phát ban trong khoang miệng ở bệnh nhân COVID-19. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy liên hệ với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.

Lớp phủ trắng trên lưỡi có phải là triệu chứng của COVID-19 không?

Một lớp phủ trắng trên lưỡi có thể do một số nguyên nhân khác nhau. Ví dụ, nấm miệng (tưa miệng) Candida có thể gây lưỡi đóng bợn trắng.

Mặc dù COVID-19 không gây tưa miệng, nhưng virus SARS-CoV-2 lại ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Điều này có thể khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng khác, chẳng hạn như tưa miệng.

—-

Tài liệu tham khảo:

1. Sirin, D.A., Ozcelik, F. The relationship between COVID-19 and the dental damage stage determined by radiological examination. Oral Radiol 37, 600–609 (2021).

2. Alimohamadi Y, Sepandi M, Taghdir M, Hosamirudsari H. Determine the most common clinical symptoms in COVID-19 patients: a systematic review and meta-analysis. J Prev Med Hyg. 2020;61(3):E304-E312.


Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc COVID

Các vấn đề của bệnh nhân đái tháo đường mắc COVID-19

Đái tháo đường được coi là bệnh nền có nguy cơ hàng đầu khiến cho bệnh nhân trở nặng và khó điều trị nếu mắc COVID-19. Đây được coi là bệnh nền phức tạp có thể tiến triển rất xấu nếu không may nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bệnh đái tháo đường và COVID-19

Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra khoảng 25% số người bị đái tháo đường mắc Covid phải nhập viện điều trị. Những người bị đái tháo đường có nhiều khả năng xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong. Nguyên nhân chính do lượng đường trong máu cao làm suy yếu hệ thống miễn dịch làm cho cơ thể giảm đáng kể khả năng chống lại virus.

Không chỉ có vậy lượng đường máu tăng cao đồng thời nhiễm COVID sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như nhiễm toan chuyển hóa. Nó biểu hiện bởi các triệu chứng: nôn, buồn nôn, đau bụng, và có thể phù não, hôn mê và tử vong.

Ngoài ra một số trường hợp còn gặp biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Đây là biến chứng có tỷ lệ tử vong cao trong khi phương pháp điều trị còn nhiều khó khăn.

Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường nhiễm COVID-19

Người bệnh đái tháo đường luôn có nguy cơ biến chứng rất cao nếu nhiễm COVID-19. Do vậy, trong mùa dịch, bệnh nhân đái tháo đường cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe đúng cách để phòng bệnh: 

+ Duy trì lối sống lành mạnh

Luôn theo dõi lượng đường máu thường xuyên. Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, thường xuyên để tăng đề kháng và sức khỏe của bản thân. Luôn ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Tránh hoàn toàn các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá. Uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. 

+ Chế độ ăn đủ dinh dưỡng

Ngoài việc duy trì các thói quen tốt để giữ ổn định đường huyết thì người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức khỏe cho bản thân.

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường. Chế độ ăn phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, ăn nhiều bữa một ngày, hạn chế tối đa các loại thức ăn chứa nhiều đường và chất béo bão hòa. Tăng cường rau xanh, hoa quả và uống nhiều nước mỗi ngày.

+ Thực hiện nghiêm chế độ “5K”

Người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng bệnh. Trong đó, thực hiện nghiêm quy định “5K” đã được Bộ Y tế khuyến cáo.

Như vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là thực hiện đúng các phải pháp phòng dịch theo hướng dẫn. Đồng thời giữ tâm lý thoải mái, lạc quan trong mùa dịch, tránh những lo âu và phiền muộn không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Làm gì khi bị nhiễm COVID ?

Nếu không may nhiễm COVID, cần lưu ý những điều sau:

+ Kiểm tra lượng đường máu thường xuyên, duy trì ở mức cho phép.

+ Sử dụng một số thuốc để làm giảm các triệu chứng do COVD gây ra như sốt, đau rát họng, ho, đau đầu. Nhưng lưu ý một số thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như Liều cao aspirin hoặc ibuprofen có thể làm giảm lượng đường trong máu. Acetaminophen có thể gây hiện tượng hiển thị kết quả sai của máy đo đường huyết. Nhiều loại thuốc trị ho và cảm lạnh có hàm lượng đường cao, có thể làm tăng lượng đường trong máu c. Trước khi dùng, nên được tư vấn bởi bác sĩ.

+ Khi gặp các triệu chứng: Khó thở nhiều, SpO2 < 95%, Đau tức ngực, rối loạn ý thức (lú lẫn, lơ mơ) phải báo cáo cho nhân viên y tế kịp thời để xử trí.

—————-

Nguồn:

Diabetes and coronavirus

https://www.webmd.com/diabetes/diabetes-and-coronavirus


WHO cảnh báo Viêm gan do virus lạ ở trẻ em

Viêm gan cấp ở trẻ mắc cúm mới được WHO cảnh báo

Tổ chức Y tế Thế giới đang điều tra các trường hợp trẻ em hoàn toàn khỏe mạnh bị viêm gan, tổn thương gan nghiêm trọng và hiếm gặp.

Trẻ em ở các nước  Anh, Mỹ, Ireland và Tây Ban Nha đã bị viêm gan cấp tính nặng, gây suy chức năng gan cấp nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Mặc dù các xét nghiệm xác định vi rút gây bệnh viêm gan A, B, C, D và E đều âm tính; có nghĩa là các trẻ em này trước đó và hiện tại hoàn toàn không bị nhiễm các loại virus gây viêm gan phổ biến đã biết trước đó. Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới cho rằng căn bệnh tối cấp nguy hiểm này có thể do adenovirus gây ra.

Viêm gan ở trẻ em do Virus lạ?

Viêm gan ở trẻ em do Virus lạ?

Trong một báo cáo khẩn cấp ngày 15/4/2022, Tổ chức Y tế Thế giới đang xem xét các trường hợp viêm gan cấp tính nghiêm trọng ở trẻ em tại Anh, Ireland và Tây Ban Nha. Các trường hợp này không liên quan đến viêm gan A, B, C, D và E, các loại vi rút thường gây ra bệnh viêm gan đã biết trước đây.

Cho đến nay, 74 trường hợp đã được xác định ở trẻ em dưới 10 tuổi tại Anh, 5 trường hợp xác định ở Ireland và 3 trường hợp được xác nhận ở Tây Ban Nha.

Báo State News cũng đưa tin các quan chức ở Mỹ đang điều tra 9 trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em mà nguyên nhân không phải do vi rút viêm gan thông thường gây ra. Thông báo khác của Bộ Y tế Alabama kể từ tháng 11 năm 2021, có 9 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính này được xác định ở trẻ em dưới 10 tuổi.

TCYT thế giới còn cho biết nguyên nhân của bệnh suy gan này vẫn chưa rõ ràng và đang được điều tra, nhưng Adenovirus, một bệnh đường hô hấp thường gây ra cảm lạnh có thể có liên quan.

Tại bang Alabama – Hoa Kỳ, cả 9 đứa trẻ đều có kết quả xét nghiệm dương tính với Adenovirus. Theo Karen Landers, nhân viên y tế quận của Sở Y tế công cộng Alabama các ca bệnh được tìm thấy ở các vùng khác nhau của bang và họ không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa những đứa trẻ này; điều đó có nghĩa là các ca bệnh này cùng bị chung “một yếu tố nào đó” gây ra viêm gan tối cấp và nguy hiểm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Hoa kỳ) đang tiến hành một cuộc điều tra quy mô cấp quốc gia để tìm kiếm các trường hợp tương tự về mặt lâm sàng.

Tờ Stat News, trích dẫn một bài báo khoa học về một trường hợp ở Scotland, cho biết đại dịch có thể đã đóng một vai trò nào đó, lưu ý rằng những đứa trẻ bị ảnh hưởng có thể chưa tiếp xúc với nhiều loại mầm bệnh trong đại dịch, và do đó dễ bị nhiễm bệnh hơn và có thể bị nhiễm Covid-19 hơn một lần, đặc biệt trong bối cảnh các biện pháp hạn chế cũng như cảnh báo của COVID-19 đã được nới lỏng rất nhiều.

Viêm gan tối cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy đa tạng và có thể tử vong. Hiện nay các phụ huynh đang quan tâm đến đại dịch COVID mà có thể CÓ LIÊN QUAN đến các mầm bệnh thông thường khác nhưng lại gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Như vậy cần có thái độ quan tâm cũng như có những biện pháp phù hợp để bảo vệ gan của trẻ trước những ảnh hưởng xấu của dịch bệnh.

—————–

Nguồn: 

The World Health Organization is investigating cases of perfectly healthy kids getting rare and severe liver damage-  https://africa.businessinsider.com/health/the-world-health-organization-is-investigating-cases-of-perfectly-healthy-kids/mj9l8m8


Tăng nguy cơ mắc tiểu đường dù mắc COVID nhẹ

Mắc COVID-19 nhẹ cũng làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường

Tình trạng tăng đường huyết mới khởi phát và kháng insulin đã được báo cáo ở những bệnh nhân COVID-19. Vậy mắc COVID-19 nhẹ có làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) hay không?

Mắc COVID-19 nhẹ cũng làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường

Để trả lời câu hỏi trên, giáo sư Wolfgang Rathmann và cộng sự đã nghiên cứu so sánh tỷ lệ mới mắc bệnh đái tháo đường trên 35.865 bệnh nhân nhẹ so với 35.865 bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính.

Kết quả phân tích chỉ ra những người mắc bệnh thể  nhẹ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn 28% so với người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính.

Các nghiên cứu mới nhất liên quan COVID-19 và đái tháo đường

Vào tháng 2, một nghiên cứu do PGS Jason Block (Trường Y Harvard, tác giả chính) được công bố trên tạp chí JAMA Network Open cũng chỉ rõ, F0 sau khỏi COVID-19 sau 1-5 tháng cũng có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Khoảng 7% người lớn nhập viện vì COVID-19 được chẩn đoán tiểu đường trong vòng 5 tháng, cao hơn so với con số 3,6% ở người khỏe mạnh.
Tác giả cho biết nhiều người không tới gặp bác sĩ khi dịch căng thẳng và họ có thể mắc tiểu đường mà không hay biết. Ngoài ra, steroid – loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng – có thể làm tăng lượng đường trong máu tạm thời, gây ra bệnh lý này.

Một số giả thuyết được đưa ra giải thích lý do tăng nguy cơ đái tháo đường sau nhiễm COVID-19. Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công tuyến tụy – nơi sản xuất insulin. COVID-19 làm tăng các marker viêm, có thể gây rối loạn chức năng tuyến tụy. Ngoài ra, một số thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Tác giả cho biết thêm, cần thêm nghiên cứu đánh giá biểu hiện đái tháo đường type 2 sau mắc COVID-19 nhẹ chỉ là tạm thời và có thể hồi phục hay dẫn đến tình trạng bệnh mạn tính.


Các biến thể gây di chứng Hậu COVID khác nhau

Các biến thể có thể gây di chứng hậu COVID-19 khác nhau

Di chứng hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng đến mọi người sau nhiễm Sars-Cov-2 ở mọi lứa tuổi, cả người có bệnh nền hay khỏe mạnh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh phải nhập viện mà cả người bị bệnh nhẹ.

Các biến thể có thể gây di chứng hậu COVID-19 khác nhau

Tiến sĩ Destin Groff và cộng sự tiến hành nghiên cứu tổng quan hệ thống dựa trên 57 nghiên cứu đã công bố gồm hơn 250.000 bệnh nhân sau nhiễm COVID-19. Theo phân tích, hơn một nửa số bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài sau 6 tháng.

Các triệu chứng có thể gặp như: Đau ngực, khó thở; mệt mỏi; mất vị giác và/hoặc khứu giác; Lo lắng và trầm cảm; Lú lẫn và khó tập trung, còn được gọi là “sương mù não”; Đau khớp.

Nguyên nhân của COVID kéo dài vẫn chưa được biết rõ, có thể liên quan đến tác động trực tiếp của virus hoặc ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe tâm thần do căng thẳng và các yếu tố như giãn cách xã hội và mất việc làm.

Một số ảnh hưởng trực tiếp do virus:

  • Virus tổn tại dai dẳng trong cơ thể
  • Phản ứng viêm và tự miễn 
  • Tổn thương mô do thiếu oxy khi mắc bệnh
  • Tổn thương thần kinh

Một số nghiên cứu cho thấy các biến thể có thể gây ra các triệu chứng hậu COVID khác nhau.

So với chủng vi-rút SARS-CoV-2 ban đầu, biến thể Alpha có nhiều khả năng gây ra các hậu quả kéo dài về sức khỏe tâm thần và nhận thức. Mặt khác, biến thể Alpha dường như ít gây suy giảm thính lực hoặc mất khứu giác hơn so với chủng ban đầu.

—-

Tài liệu tham khảo:

Groff D, Sun A, Ssentongo AE, et al. Short-term and Long-term Rates of Postacute Sequelae of SARS-CoV-2 Infection: A Systematic Review. JAMA Netw Open. 2021;4(10):e2128568.


Bệnh nhân ung thư dễ mắc COVID nặng dù tiêm vaccine

Bệnh nhân ung thư dễ mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine

Bệnh nhân ung thư đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao hơn dẫn đến tỷ lệ nhập viện và tử vong cao.

Bệnh nhân ung thư dễ mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine

Nguy cơ mắc COVID-19 ở bệnh nhân ung thư tăng lên đáng kể và diễn tiến bệnh thường nghiêm trọng hơn. Thật may mắn, tiêm vaccine đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo về nhiễm bệnh sau tiêm vaccine COVID-19 còn được gọi là nhiễm đột phá (Breakthrough infection).

Tiến sĩ William Wang và cộng sự đã tiến hành đánh giá cơ sở dữ liệu TriNetX gồm 90 triệu bệnh nhân tại Mỹ. So sánh tỷ lệ COVID-19 sau tiêm vaccine ở nhóm bệnh nhân ung thư và nhóm không ung thư. Nhóm bệnh nhân ung thư mắc 1 trong 12 loại ung thư thuộc các cơ quan: tuyến tụy, gan, phổi, đại trực tràng, da và tuyến giáp. 

Các nhà nghiên cứu xem xét tỷ lệ mới mắc hàng tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021 cũng như nguy cơ nhập viện và tử vong của các trường hợp nhiễm đột phá.

Kết quả phân tích chỉ ra nguy cơ tích lũy nhiễm đột phá ở bệnh nhân ung thư là 13,6%, cao hơn bệnh nhân không ung thư. Phân loại theo cơ quan, nguy cơ cao nhất ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy (24,7%), tiếp theo là gan (22,8%), phổi (20,4%) và đại trực tràng (17,5%).

Nguy cơ nhập viện của bệnh nhân ung thư bị nhiễm trùng đột phát cao hơn nhiều so với bệnh nhân không ung thư (31,6% so với 3,9%). Ngoài ra, nguy cơ tử vong cũng tăng lên đáng kể.

—-

Tài liệu tham khảo:

Wang W et al. Breakthrough SARS-CoV-2 Infections, Hospitalizations, and Mortality in Vaccinated Patients With Cancer in the US Between December 2020 and November 2021 JAMA Oncol 2022


Người mắc viêm gan C dễ bị COVID nặng

Người mắc viêm gan C tăng nguy cơ COVID-19 nặng

Người mắc viêm gan C mạn tính có nguy cơ cao tiến triển triển bệnh nặng khi nhiễm COVID-19. Tỷ lệ tổn thương gan ở bệnh nhân COVID-19 nặng cũng cao hơn nhóm bệnh nhân không nặng.

Người mắc viêm gan C tăng nguy cơ COVID-19 nặng

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), người mắc bệnh gan (như viêm gan C) có nguy cơ cao tiến triển bệnh nặng nếu nhiễm COVID-19.

Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Liver International, ở người bị viêm gan C, khi nhiễm COVID-19 có nhiều khả năng trở nặng và phải nhập viện điều trị nếu chỉ số xơ hóa gan (FIB-4) cao. Cụ thể, tỷ lệ nhập viện điều trị COVID-19 ở nhóm nhiễm virus viêm gan C gấp 1,4 lần nhóm không nhiễm virus này.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tổn thương gan thường gặp ở những bệnh nhân nặng bị nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là các trường hợp có bệnh gan trước đó. Khoảng một nửa số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 có tình trạng tăng men gan, dấu hiệu chỉ báo tổn thương gan.

Để được tư vấn về biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người mắc viêm gan C khi nhiễm COVID-19, Quý khách vui lòng tham gia nhóm Zalo Bacsi Online để đặt câu hỏi và được trả lời trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ.

——

Tài liệu tham khảo:

Butt AA, Yan P, Chotani RA, Shaikh OS. Mortality is not increased in SARS-CoV-2 infected persons with hepatitis C virus infection. Liver Int. 2021 Aug;41(8):1824-1831.


Nguy cơ cục máu đông phụ nữ mang thai mắc COVID

Estrogen và COVID-19: nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai

Theo một nghiên cứu mới đây, phụ nữ đang mang thai hoặc sử dụng nội tiết tố estrogen như biện pháp tránh thai hoặc liệu pháp hormone thay thế có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn khi nhiễm COVID-19.

Tăng nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai khi mắc COVID-19

Tăng nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai khi mắc COVID-19

Sử dụng nội tiết tố estrogen có liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch. 

Ở phụ nữ mắc rối loạn đông máu trước đó, nguy cơ hình thành cục máu đông cao nhất trong năm đầu tiên điều trị liệu pháp hormone thay thế hoặc uống thuốc tránh thai chứa estrogen. 

Phụ nữ không mắc rối loạn đông máu cũng có nguy cơ đông máu tăng  khi dùng các loại thuốc chứa estrogen.

Khi mang thai, cơ thể sản xuất nhiều estrogen một cách tự nhiên, cũng có liên quan đến tăng hình thành cục máu đông. 

Nhiễm COVID-19 làm cho nguy cơ xảy ra cục máu đông tăng lên. Cục máu đông lớn làm cản trở lưu thông máu trong cơ thể, có thể gây gián đoạn lưu thông máu hoàn toàn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ não.

Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông  khi mắc COVID-19, tiến sĩ Hamid Mojibian của Trường Y Đại học Yale (Mỹ) khuyến nghị: “Tăng cường vận động thể dục thể thao, bỏ thuốc lá. Cắt giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn. Đặc biệt, tham vấn bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc tránh thai chứa estrogen hoặc liệu pháp hormone thay thế ở phụ nữ nhiễm COVID-19.”


Estrogen bảo vệ phụ nữ mắc COVID

Bổ sung estrogen giảm tử vong do COVID-19 ở phụ nữ mãn kinh

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở phụ nữ mãn kinh giảm khi được sử dụng liệu pháp hormone thay thế giúp tăng nồng độ estrogen.

Theo một nghiên cứu được công bố trên BMJ Open, bổ sung estrogen có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong do COVID-19 ở phụ nữ sau mãn kinh.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Umea (Thụy Điển) thu thập dữ liệu thống kê quốc gia thông tin về các phụ nữ mãn kinh nhiễm SARS-CoV-2 để đánh giá liệu pháp bổ sung estrogen có làm giảm tỷ lệ tỷ lệ tử vong do COVID-19 hay không. Dữ liệu có 14.685 phụ nữ từ 50 đến 80 tuổi, chia thành 3 nhóm. 

– Nhóm 1 gồm 227 phụ nữ mắc ung thư vú đang điều trị nội tiết (nồng độ estrogen giảm); 

– Nhóm 2 gồm 2.535 phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone thay thế (nồng độ estrogen tăng);

– Nhóm 3 gồm 11.923 phụ nữ không điều trị nội tiết – nhóm đối chứng (nồng độ estrogen sau mãn kinh).

Phụ nữ mãn kinh & COVID-19

Theo nghiên cứu này, nguy cơ tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 thấp nhất nhóm phụ nữ mãn kinh sử dụng liệu pháp hormone (bổ sung estrogen). Nhóm có nồng độ estrogen giảm có nguy cơ tử vong cao nhất, cao gấp hơn 5 lần nhóm được bổ sung estrogen. Nhóm phụ nữ mãn kinh không điều trị nội tiết cũng có nguy cơ tử vong cao hơn nhóm được bổ sung estrogen. 

Theo nhóm tác giả, cần thêm các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên để đánh giá hiệu quả giảm mức độ nghiêm trọng và tử vong do COVID-19 của liệu pháp bổ sung estrogen ở phụ nữ mãn kinh.


Tăng nguy cơ COVID-19 nặng ở nam giới thiếu hụt testosterone

Testosterone thấp gây COVID-19 trở nặng ở nam giới

Theo nghiên cứu mới đây trên tạp chí JAMA, nồng độ testosterone  (hormone sinh dục nam) thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng ở nam giới.

Nồng độ testosterone thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng ở nam giới nhiễm COVID-19

Nồng độ testosterone thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng ở nam giới nhiễm COVID-19

Nhìn chung, nam giới mắc COVID-19 thường có tình trạng bệnh nặng hơn phụ nữ.

Tác giả Abhinav Diwan, giáo sư Đại học y Washington, Mỹ, cho biết: “Trong đại dịch COVID-19, có một quan niệm rằng testosterone là không tốt. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy điều ngược lại, bệnh nhân nam có nồng độ testosterone càng thấp thì càng có nguy cơ cao bị tình trạng bệnh trầm trọng và tử vong do COVID-19, cao hơn nhiều so với với các bệnh nhân nam có mức độ testosterone cao hơn.”

Trước đó, giáo sư Abhinav Diwan và các đồng nghiệp đã định lượng nồng độ một số hormone trong máu của 143 bệnh nhân COVID-19, gồm cả nam và nữ, nhập viện điều trị.

Phân tích kết quả cho thấy không có mối tương quan nào giữa nồng độ của các loại nội tiết tố và mức độ nghiêm trọng của COVID-19 ở phụ nữ. Còn ở nam giới, nồng độ testosterone có liên quan với mức độ bệnh.

Bệnh nhân nam với nồng độ testosterone thấp nhất có nguy cơ phải thở máy, phải nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt hoặc nguy cơ tử vong cao nhất.

Các chuyên gia cho biết, điều trị nam giới có nồng độ testosterone thấp bằng liệu pháp hormon có thể giúp giảm nguy cơ bị tình trạng bệnh nghiêm trọng khi mắc COVID-19, tuy nhiên đi kèm đó là những nguy cơ khác mà bác sĩ và bệnh nhân sẽ cần phải cân nhắc khi sử dụng hormon.