Wild Yam bổ sung nội tiết tố nữ

9 lợi ích sức khỏe của Wild Yam dựa trên bằng chứng khoa học

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Trong y học cổ truyền, Wild Yam đã được sử dụng điều trị rối loạn mất cân bằng hormone gây nên các triệu chứng khó chịu trước kỳ kinh nguyệt và đau bụng kinh. Bên cạnh đó, loài thực vật này còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Lợi ích sức khỏe của Wild Yam

Wild Yam là gì?

Wild Yam (khoai lang hoang dã) có tên khoa học là Dioscorea Villosa. Có nhiều tên gọi khác của Wild Yam, chẳng hạn như rễ colic, xương quỷ, rễ thấp khớp.

Đây là một loài thực vật có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, Mexico và một phần Châu Á. Từ lâu, rễ và củ của cây được sử dụng trong y học cổ truyền.

Các nghiên cứu gần đây phát hiện Wild Yam có chứa một chất hóa học gọi là diosgenin, được xác định mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.

Diosgenin là một loại phytosteroid. Phytosteroid là các steroid có nguồn gốc thực vật tương tự như các steroid được sản xuất trong cơ thể con người.

Lợi ích sức khỏe của Wild Yam

1. Wild Yam và các vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt

Từ thế kỷ 18, các nhà thảo dược đã sử dụng Wild Yam để chữa đau bụng kinh. Dường như, thực vật này ảnh hưởng đến hormone theo cách tương tự như estrogen (nội tiết tố nữ). Cần thêm nghiên cứu để đánh giá về tác dụng này.

Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu có xu hướng tập trung vào đánh giá tác động có thể có của Wild Yam đối với các triệu chứng mãn kinh, chẳng hạn như tác dụng làm dịu cơn bốc hỏa tiền mãn kinh.

2. Hỗ trợ chức năng sinh sản

Trong y học cổ truyền, Wild Yam được dùng điều trị hỗ trợ sinh sản. Nó được cho là giúp tối ưu hóa nồng độ estrogen và cải thiện chất lượng và số lượng chất nhầy cổ tử cung.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng sử dụng chế phẩm từ loại cây này không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản vì nó không sản xuất progesterone trong cơ thể.

Trong khi đó, những tác giả khác cho biết Khoai lang hoang dã tiết ra một dạng progesterone tự nhiên được cơ thể hấp thụ nhanh chóng khi được sử dụng dạng kem bôi ngoài da.

Mối liên hệ giữa thực vật này và khả năng sinh sản là do trong chu kỳ sinh sản điển hình, cơ thể sản xuất lượng progesterone tăng lên ngay sau khi rụng trứng.

Nồng độ progesterone tăng lên giúp lớp nội mạc tử cung phát triển, làm dày thành tử cung. Tạo điều kiện cho trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển thành thai nhi.

3. Lợi ích về sức khỏe tim mạch

Khi mãn kinh, phụ nữ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do giảm lượng estrogen (chất có vai trò hỗ trợ sức khỏe tim mạch).

Một số chuyên gia cho biết: một công dụng khác của Wild Yam có thể là giảm cholesterol xấu (LDL), làm giảm nguy cơ  bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Life Sciences cho thấy những người lớn tuổi dùng Wild Yam có mức triglyceride thấp hơn – một loại chất béo trong máu.

Cần thêm nhiều nghiên cứu về lợi ích của Wild Yam ở những người có cholesterol máu cao.

4. Wild Yam và viêm khớp

Wild Yam còn được gọi là “rễ thấp khớp”. Tên gọi này bắt nguồn do nó được sử dụng thường xuyên để điều trị đau cơ, khớp (thấp khớp) vào thế kỷ 19.

Năm 2013, nghiên cứu trên trên Tạp chí Y học BMC kết luận rằng chiết chiết xuất Khoai lang hoang dã làm giảm đáng kể các yếu tố viêm trong mẫu máu của chuột thí nghiệm.

5. Chứa nhiều chất dinh dưỡng

Wild Yam có nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi như kali, một lượng nhỏ Vitamin C, Vitamin B6 và beta carotene (tiền chất của vitamin A).

Củ của cây chứa nhiều tinh bột nhưng có chỉ số đường huyết thấp – rất thân thiện với người bị tiểu đường. Giàu chất xơ chiếm tỷ lệ 2% khối lượng – cao hơn 10 lượng chất xơ có trong gạo trắng và gấp gần 2 lần trong gạo lứt.

Bột chiết xuất Wild Yam giàu chất xơ và dinh dưỡng

6. Kiểm soát đường máu

Bệnh cạnh có chỉ số đường huyết tương đối thấp, một số loại đường có trong Wild Yam đặc biệt tồn tại dưới dạng đường đa polysaccharide (gồm nhiều đơn vị đường đơn nối nhau). Đường đa polysaccharide có tác dụng rất tốt với sức khỏe con người.

Một số polysaccharid từ Wild Yam làm giảm lượng đường trong máu, trong khi số polysaccharid khác có đặc tính chống oxy hóa mạnh.

Hàm lượng chất xơ (glucomannan) trong Wild Yam góp phần giảm lượng đường glucose trong máu. Do nó làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và làm chậm sự hấp thu glucose tại ruột.

Một số nghiên cứu chỉ ra chất xơ glucomannan làm giảm lượng đường máu nhưng không gây cảm giác đói và ức chế sự thèm ăn ở người mắc bệnh tiểu đường type 2.

7. Tốt cho quá trình giảm cân lành mạnh

Thành phần chất xơ glucomannan có thể có lợi trong việc giảm cân.

Điều này là do chất xơ chuyển thành dạng gel trong dạ dày, khiến bạn cảm thấy no lâu hơn. Vì vậy, giúp hạn chế cảm giác thèm ăn và giảm ăn vặt giữa các bữa ăn.

8. Phòng ngừa ung thư

Ngoài lượng vitamin và khoáng chất, Wild Yam còn chứa các chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa ung thư.

Một nghiên cứu trên chuột năm 2014 cho kết quả chế độ ăn giàu Wild Yam có thể làm giảm đáng kể các khối u đại tràng.

Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy tác dụng ngăn ngừa ung thư có liên quan chặt chẽ đến nhiều chất chống oxy hóa trong Wild Yam.

9. Tăng cường chức năng thần kinh

Năm 2017, một nghiên cứu công bố cho thấy những người sử dụng chiết xuất Wild Yam có hoạt động não bộ tốt hơn những người sử dụng giả dược.

Thành phần Diosgenin trong Khoai lang hoang dã có hiệu quả cải thiện sự phát triển của tế bào thần kinh và tăng cường sức khỏe não bộ nói chung.

Một số thử nghiệm cũng báo các tác dụng của Wild Yam tăng cường trí nhớ và kỹ năng học tập ở chuột và các thử nghiệm động vật khác.

Để được tư vấn cách sử dụng chiết xuất Wild Yam bảo vệ sức khỏe, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để đặt câu hỏi và được trả lời trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ.


Ra máu bất thường sau mãn kinh

Bất thường ra máu sau mãn kinh: 5 điều phụ nữ nên biết

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Đừng bao giờ bỏ qua hiện tượng ra máu sau mãn kinh. Đó là một trong những dấu hiệu bất thường về sức khỏe ở phụ nữ. Dưới đây là những điều phụ nữ sau mãn kinh nên biết.

Thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ được xác định khi sự mất kinh tồn tại trong vòng 12 tháng tính từ chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Nếu chảy máu âm đạo sau 12 tháng không hành kinh, thì đó được gọi là chảy máu sau mãn kinh. 

Ra máu sau mãn kinh là một trong những dấu hiệu bất thường về sức khỏe ở phụ nữ

1. Ra máu sau mãn kinh không bao giờ là bình thường

Trong thời kỳ sau mãn kinh, chảy máu âm đạo dù chỉ lượng nhỏ vẫn có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

“Bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt nếu bị ra máu”, bác sĩ Mantia Smaldone chuyên khoa ung thư phụ khoa tại Viện Ung thư Fox Chase (Mỹ) cho biết.

2. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra máu sau mãn kinh, trong đó có bệnh lý ác tính

Trong hầu hết các trường hợp, chảy máu sau mãn kinh là do các vấn đề như teo nội mạc tử cung (lớp niêm mạc tử cung mỏng đi), u xơ hoặc polyp tử cung. Nhưng chảy máu âm đạo cũng có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung – một bệnh lý ác tính của niêm mạc tử cung.

Bác sĩ Mantia Smaldone cho biết: “Cần can thiệp sớm nếu đó là ung thư, vì điều trị sớm sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn.”

Nếu ung thư nội mạc tử cung được phát hiện sớm, 95% phụ nữ mắc ung thư này sống được hơn 5 năm sau khi chẩn đoán bệnh.

3. Tuổi cao là yếu tố ảnh hưởng nguy cơ ra máu sau mãn kinh

Thời gian sau mãn kinh càng lâu, nguy cơ ra máu âm đạo bất thường càng giảm. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ ra máu âm đạo trong năm đầu tiên cao hơn đáng kể so với những năm sau đó.

Phụ nữ đã mãn kinh một thời gian vẫn cần chú ý hiện tượng chảy máu âm đạo. Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư phổ biến gặp ở phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh.

4. Chẩn đoán nguyên nhân

Ra máu sau mãn kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mục tiêu đầu tiên việc thăm khám để loại trừ nguyên nhân do ung thư.

Bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám và hỏi bệnh về triệu chứng ra máu, tiền sử bản thân và gia đình. Sau đó, siêu âm để đánh giá độ dày của niêm mạc tử cung. Lớp niêm mạc tử cung của phụ nữ sau mãn kinh thường khá mỏng.

Ung thư nội mạc tử cung có thể khiến lớp niêm mạc tử cung dày lên. Nếu niêm mạc tử cung của bạn dày hơn bình thường, bác sĩ sẽ đề nghị làm sinh thiết nội mạc tử cung lấy một lượng nhỏ mô để kiểm tra dưới kính hiển vi.

5. Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa sản phụ nếu bị chảy máu sau mãn kinh

Nếu kết quả thăm khám ban đầu nghi ngờ nguyên nhân chảy máu âm đạo do ung thư, bạn nên tiếp tục tới khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa ung thư phụ khoa.

Nếu được xác định mắc ung thư nội mạc tử cung thì phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là phẫu thuật cắt tử cung và nạo những hạch bạch huyết lân cận. Sau đó, có thể kết hợp điều trị bằng hóa chất hoặc tia xạ.

Để được tư vấn các vấn đề về sức khỏe phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để đặt câu hỏi và được trả lời trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ.


Tìm thấy coronavirus trong phân rât lâu sau khỏi COVID

Tìm thấy virus corona trong phân sau mắc COVID-19 tới 7 tháng

Các nhà khoa học Đại học Stanford (Mỹ) đã phát hiện virus corona trong phân bệnh nhân COVID-19 sau khỏi bệnh tới 7 tháng, nhưng cho biết sẽ cần nghiên cứu thêm để xác định liệu COVID-19 có lây truyền qua đường phân – miệng trong thời gian dài sau nhiễm bệnh hay không?

phát hiện virus corona trong phân bệnh nhân COVID-19 sau khỏi bệnh tới 7 tháng

Trung bình, 1 trong 7 bệnh nhân COVID-19 tiếp tục thải vật chất di truyền của virus SARS-CoV-2 ít nhất 4 tháng sau chẩn đoán ban đầu. Rất lâu sau khi ngừng thải virus qua đường hô hấp.

Điều này có thể giải thích tại sao một số bệnh nhân COVID-19 xuất hiện triệu chứng tiêu hóa (như đau bụng, tiêu chảy,…), tiến sĩ Ami Bhatt, phó giáo sư di truyền học tại Đại học Stanford cho biết.

“Chúng tôi phát hiện những người đã khỏi nhiễm trùng đường hô hấp – nghĩa là xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong bệnh phẩm đường hô hấp – vẫn tiếp tục thải RNA virus trong phân,” tiến sĩ Ami Bhatt cho biết thêm. “Và đặc biệt, những người này thường có các triệu chứng tiêu hóa.”

Nhiễm trùng đường tiêu hóa kéo dài cũng có thể góp phần gây ra các triệu chứng hậu COVID.

Nhiều nghiên cứu trước đây tập trung đánh giá virus trong chất thải ở bệnh nhân COVID nặng. Nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá sự hiện diện của RNA virus trong trong phân người mắc COVID mức độ nhẹ đến trung bình.

Khoảng một nửa bệnh nhân (49%) có RNA virus trong phân trong vòng tuần đầu tiên nhiễm bệnh. 

Sau nhiễm 4 tháng, không còn virus trong đường hô hấp, nhưng gần 13% bệnh nhân tiếp tục thải mảnh vật chất di truyền qua phân.

Khoảng 4% vẫn tìm thấy RNA virus trong phân sau 7 tháng từ khi được chẩn đoán mắc COVID-19.

SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong đường tiêu hòa hoặc thậm chí các mô khác trong thời gian dài hơn so với tồn tại trong đường hô hấp. Và virus tiếp tục gây ra phức ứng miễn dịch và các hệ quả kéo dài.

Phó giáo sư Bhatt, tác giả của nghiên cứu cho biết những phát hiện này cũng có ý nghĩa đối với các nỗ lực dự đoán, giám sát các đợt bùng phát COVID bằng cách kiểm tra, phát hiện virus trong nước thải của cộng đồng dân cư.

—-

Tài liệu tham khảo:

Ami Bhatt, MD, PhD, associate professor, medicine and genetics, Stanford University, Stanford, Calif.; William Schaffner, MD, medical director, National Foundation for Infectious Diseases; Amesh Adalja, MD, senior scholar, Johns Hopkins Center for Health Security; Med, April 12, 2022


mắc COVID nhẹ cũng gấy mất chất xám não nhiều hơn

Mắc COVID-19 nhẹ cũng làm mất chất xám não bộ nhiều hơn

Theo nghiên cứu mới nhất trên tạp chí Nature, ngay cả người mắc COVID-19 nhẹ cũng gặp tình trạng mất chất xám và các tổn thương mô não khác.

Phó giáo sư khoa học thần kinh Gwenaëlle Douaud tại Đại học Oxford (Anh) cùng đồng nghiệp đánh giá hình ảnh chụp não của 785 bệnh nhân người Anh từ 51 đến 81 tuổi. Trong đó, 401 người mắc COVID-19 và có 15 người phải nhập viện.

Mắc COVID-19 nhẹ cũng làm mất chất xám não bộ nhiều hơn

Mất chất xám và tổn thương mô não hầu hết ở các vùng não liên quan đến khứu giác của bệnh nhân COVID-19

“Mặc dù 96% người mắc COVID-9 mức độ nhẹ, chúng tôi thấy chất xám mất đi nhiều hơn và tổn thương mô não lớn hơn ở người nhiễm COVID-19 so với người không nhiễm tại thời điểm 4 tháng rưỡi sau nhiễm so với trước nhiễm,” nhà khoa học Gwenaëlle Douaud cho biết.

Trung bình, những người mắc COVID-19 mất thêm 0,2%-2% chất xám hoặc tổn thương mô não so với những người không mắc.

Teo não và tổn thương nhu mô nổi bật nhất ở các vùng não liên quan đến khứu giác. Nhiều bệnh nhân đã phàn nàn về tình trạng mất khứu giác tạm thời.

COVID-19 có thể gây suy giảm nhận thức

Các bệnh nhân trong nghiên cứu đã thực hiện kiểm tra đánh giá nhận thức. Kết quả, bệnh nhân COVID-19 suy giảm khả năng nhận thức nhiều hơn bệnh nhân không nhiễm COVID-19.

Cụ thể, trong bài kiểm tra tâm thần kinh liên quan đến trình tự các số và chữ cái, người bị COVID-19 mất nhiều thời gian hơn đáng kể để hoàn thành bài tập so với những người không bị nhiễm.

Nhà khoa học Michelle Monje-Deisseroth – giáo sư thần kinh học tại Đại học Stanford ở California, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nghiên cứu cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng COVID-19 có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến cấu trúc và chức năng của não, ngay cả ở những người nhiễm bệnh mức độ nhẹ.

“Nghiên cứu trên bổ sung thêm bằng chứng liên quan đến COVID-19 và suy giảm nhận thức dai dẳng và phù hợp với sự hiểu biết ngày càng tăng của chúng ta về các tác động sinh học thần kinh của COVID,” Tiến sĩ Monje-Deisseroth cho biết thêm.

Theo phó giáo sư Douaud, một câu hỏi quan trọng cho các nghiên cứu hình ảnh não trong tương lai là xem liệu tổn thương mô não này có được cải thiện trong thời gian dài hơn hay không? Cần nghiên cứu thêm để hiểu cơ chế tế bào và phân tử đằng sau tác động của COVID-19 lên não bộ.

—-

Tài liệu tham khảo:

Abbasi J. Even Mild COVID-19 May Change the Brain. JAMA. 2022;327(14):1321–1322.


Bạn biết gì về “Răng COVID”?

Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về COVID-19 với hàng loạt triệu chứng khác nhau. Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận một triệu chứng được các nhà chuyên môn quan tâm, đó là cụm từ còn khá lạ lẫm “Răng COVID – COVID Teeth”.

Tham vấn y khoa: ThS. BS. Đào Trung Hải

Bạn biết gì về "Răng COVID"?

1. Các triệu chứng COVID-19 ở miệng, răng và nướu

SARS-CoV-2 tấn công tế bào người bệnh qua thụ thể ACE2. Thụ thể ACE2 giống như cánh cửa phía trước cho phép vi rút xâm nhập vào tế bào.

Bạn thử đoán xem tế bào có nhiều thụ thể ACE2 có ở đâu? Câu trả lời là Khoang miệng, lưỡi và nướu là những cơ quan nơi các tế bào có sự hiên diện nhiều thụ thể này. 

Và điều đặc biệt là, những người có sức khỏe răng miệng kém lại có xu hướng có nhiều thụ thể ACE2 hơn.

Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ nghiêm trọng của bệnh răng miệng và diễn biến bệnh COVID-19 nặng. Theo thống kê có khoảng 75% những người bị bệnh răng miệng nghiêm trọng phải nhập viện do COVID-19. Trong khi đó, nhóm những người không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào của bệnh răng miệng, không ai phải nhập viện.

Điều này có thể được lý giải do những người có sức khỏe răng miệng kém thường có xu hướng mắc các bệnh mãn tính khác.

Các vấn đề về răng miệng không nằm trong nhóm triệu chứng covid phổ biến

Trong nghiên cứu tổng quan hệ thống gồm 54 nghiên cứu mô tả các triệu chứng COVID-19, đau răng hoặc các triệu chứng liên quan đến khoang miệng không nằm trong nhóm 12 triệu chứng được báo cáo nhiều nhất. Sốt (81,2%), ho (58,5%) và mệt mỏi (38,5%) là những triệu chứng phổ biến nhất.

Nhưng điều này không có nghĩa người nhiễm COVID-19 không gặp các triệu chứng về răng miệng.

2. Điều trị đau “Răng COVID”

Nếu bị đau răng khi nhiễm COVID-19, có thể sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen. Chườm lạnh bằng khăn ẩm bên ngoài má cũng có thể hiệu quả.

Trường hợp viêm nhiễm vùng miệng khi mắc COVID-19, chẳng hạn như nấm miệng, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và kê đơn cụ thể. 

Người bệnh COVID-19 bị sâu răng, nhiễm khuẩn răng bùng phát nên đi khám nha sĩ nếu dùng thuốc chống viêm, giảm đau không có tác dụng.

3. Một số câu hỏi về COVID-19 và sức khỏe răng miệng

Chảy máu nướu răng có phải là triệu chứng của COVID-19 không?

Chảy máu nướu răng không được liệt kê là một triệu chứng phổ biến của COVID-19. Tăng đông máu thay vì chảy máu được báo cáo một biểu hiện của COVID-19.

Tuy nhiên, chảy máu nướu răng có thể là dấu hiệu của bệnh nướu răng. Bạn không nên bỏ qua chúng. Bạn có thể tới khám nha sĩ khi sức khỏe đã hồi phục tốt hơn sau COVID-19.

COVID-19 có gây phát ban trong miệng không?

Phát ban hay từ dân gian thường gọi là nhiệt miệng không phải là một triệu chứng COVID-19 thường gặp.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Guan và các đồng nghiệp, chỉ có 2 trong số 1.099 người mắc COVID-19 có triệu chứng phát ban, nhiệt miệng.

Cho đến này, chưa có tài liệu y văn nào báo cáo biểu hiện phát ban trong khoang miệng ở bệnh nhân COVID-19. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy liên hệ với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.

Lớp phủ trắng trên lưỡi có phải là triệu chứng của COVID-19 không?

Một lớp phủ trắng trên lưỡi có thể do một số nguyên nhân khác nhau. Ví dụ, nấm miệng (tưa miệng) Candida có thể gây lưỡi đóng bợn trắng.

Mặc dù COVID-19 không gây tưa miệng, nhưng virus SARS-CoV-2 lại ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Điều này có thể khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng khác, chẳng hạn như tưa miệng.

—-

Tài liệu tham khảo:

1. Sirin, D.A., Ozcelik, F. The relationship between COVID-19 and the dental damage stage determined by radiological examination. Oral Radiol 37, 600–609 (2021).

2. Alimohamadi Y, Sepandi M, Taghdir M, Hosamirudsari H. Determine the most common clinical symptoms in COVID-19 patients: a systematic review and meta-analysis. J Prev Med Hyg. 2020;61(3):E304-E312.


Tăng nguy cơ mắc tiểu đường dù mắc COVID nhẹ

Mắc COVID-19 nhẹ cũng làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường

Tình trạng tăng đường huyết mới khởi phát và kháng insulin đã được báo cáo ở những bệnh nhân COVID-19. Vậy mắc COVID-19 nhẹ có làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) hay không?

Mắc COVID-19 nhẹ cũng làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường

Để trả lời câu hỏi trên, giáo sư Wolfgang Rathmann và cộng sự đã nghiên cứu so sánh tỷ lệ mới mắc bệnh đái tháo đường trên 35.865 bệnh nhân nhẹ so với 35.865 bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính.

Kết quả phân tích chỉ ra những người mắc bệnh thể  nhẹ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn 28% so với người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính.

Các nghiên cứu mới nhất liên quan COVID-19 và đái tháo đường

Vào tháng 2, một nghiên cứu do PGS Jason Block (Trường Y Harvard, tác giả chính) được công bố trên tạp chí JAMA Network Open cũng chỉ rõ, F0 sau khỏi COVID-19 sau 1-5 tháng cũng có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Khoảng 7% người lớn nhập viện vì COVID-19 được chẩn đoán tiểu đường trong vòng 5 tháng, cao hơn so với con số 3,6% ở người khỏe mạnh.
Tác giả cho biết nhiều người không tới gặp bác sĩ khi dịch căng thẳng và họ có thể mắc tiểu đường mà không hay biết. Ngoài ra, steroid – loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng – có thể làm tăng lượng đường trong máu tạm thời, gây ra bệnh lý này.

Một số giả thuyết được đưa ra giải thích lý do tăng nguy cơ đái tháo đường sau nhiễm COVID-19. Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công tuyến tụy – nơi sản xuất insulin. COVID-19 làm tăng các marker viêm, có thể gây rối loạn chức năng tuyến tụy. Ngoài ra, một số thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Tác giả cho biết thêm, cần thêm nghiên cứu đánh giá biểu hiện đái tháo đường type 2 sau mắc COVID-19 nhẹ chỉ là tạm thời và có thể hồi phục hay dẫn đến tình trạng bệnh mạn tính.


Các biến thể gây di chứng Hậu COVID khác nhau

Các biến thể có thể gây di chứng hậu COVID-19 khác nhau

Di chứng hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng đến mọi người sau nhiễm Sars-Cov-2 ở mọi lứa tuổi, cả người có bệnh nền hay khỏe mạnh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh phải nhập viện mà cả người bị bệnh nhẹ.

Các biến thể có thể gây di chứng hậu COVID-19 khác nhau

Tiến sĩ Destin Groff và cộng sự tiến hành nghiên cứu tổng quan hệ thống dựa trên 57 nghiên cứu đã công bố gồm hơn 250.000 bệnh nhân sau nhiễm COVID-19. Theo phân tích, hơn một nửa số bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài sau 6 tháng.

Các triệu chứng có thể gặp như: Đau ngực, khó thở; mệt mỏi; mất vị giác và/hoặc khứu giác; Lo lắng và trầm cảm; Lú lẫn và khó tập trung, còn được gọi là “sương mù não”; Đau khớp.

Nguyên nhân của COVID kéo dài vẫn chưa được biết rõ, có thể liên quan đến tác động trực tiếp của virus hoặc ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe tâm thần do căng thẳng và các yếu tố như giãn cách xã hội và mất việc làm.

Một số ảnh hưởng trực tiếp do virus:

  • Virus tổn tại dai dẳng trong cơ thể
  • Phản ứng viêm và tự miễn 
  • Tổn thương mô do thiếu oxy khi mắc bệnh
  • Tổn thương thần kinh

Một số nghiên cứu cho thấy các biến thể có thể gây ra các triệu chứng hậu COVID khác nhau.

So với chủng vi-rút SARS-CoV-2 ban đầu, biến thể Alpha có nhiều khả năng gây ra các hậu quả kéo dài về sức khỏe tâm thần và nhận thức. Mặt khác, biến thể Alpha dường như ít gây suy giảm thính lực hoặc mất khứu giác hơn so với chủng ban đầu.

—-

Tài liệu tham khảo:

Groff D, Sun A, Ssentongo AE, et al. Short-term and Long-term Rates of Postacute Sequelae of SARS-CoV-2 Infection: A Systematic Review. JAMA Netw Open. 2021;4(10):e2128568.


Bệnh nhân ung thư dễ mắc COVID nặng dù tiêm vaccine

Bệnh nhân ung thư dễ mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine

Bệnh nhân ung thư đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao hơn dẫn đến tỷ lệ nhập viện và tử vong cao.

Bệnh nhân ung thư dễ mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine

Nguy cơ mắc COVID-19 ở bệnh nhân ung thư tăng lên đáng kể và diễn tiến bệnh thường nghiêm trọng hơn. Thật may mắn, tiêm vaccine đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo về nhiễm bệnh sau tiêm vaccine COVID-19 còn được gọi là nhiễm đột phá (Breakthrough infection).

Tiến sĩ William Wang và cộng sự đã tiến hành đánh giá cơ sở dữ liệu TriNetX gồm 90 triệu bệnh nhân tại Mỹ. So sánh tỷ lệ COVID-19 sau tiêm vaccine ở nhóm bệnh nhân ung thư và nhóm không ung thư. Nhóm bệnh nhân ung thư mắc 1 trong 12 loại ung thư thuộc các cơ quan: tuyến tụy, gan, phổi, đại trực tràng, da và tuyến giáp. 

Các nhà nghiên cứu xem xét tỷ lệ mới mắc hàng tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021 cũng như nguy cơ nhập viện và tử vong của các trường hợp nhiễm đột phá.

Kết quả phân tích chỉ ra nguy cơ tích lũy nhiễm đột phá ở bệnh nhân ung thư là 13,6%, cao hơn bệnh nhân không ung thư. Phân loại theo cơ quan, nguy cơ cao nhất ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy (24,7%), tiếp theo là gan (22,8%), phổi (20,4%) và đại trực tràng (17,5%).

Nguy cơ nhập viện của bệnh nhân ung thư bị nhiễm trùng đột phát cao hơn nhiều so với bệnh nhân không ung thư (31,6% so với 3,9%). Ngoài ra, nguy cơ tử vong cũng tăng lên đáng kể.

—-

Tài liệu tham khảo:

Wang W et al. Breakthrough SARS-CoV-2 Infections, Hospitalizations, and Mortality in Vaccinated Patients With Cancer in the US Between December 2020 and November 2021 JAMA Oncol 2022


Người mắc viêm gan C dễ bị COVID nặng

Người mắc viêm gan C tăng nguy cơ COVID-19 nặng

Người mắc viêm gan C mạn tính có nguy cơ cao tiến triển triển bệnh nặng khi nhiễm COVID-19. Tỷ lệ tổn thương gan ở bệnh nhân COVID-19 nặng cũng cao hơn nhóm bệnh nhân không nặng.

Người mắc viêm gan C tăng nguy cơ COVID-19 nặng

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), người mắc bệnh gan (như viêm gan C) có nguy cơ cao tiến triển bệnh nặng nếu nhiễm COVID-19.

Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Liver International, ở người bị viêm gan C, khi nhiễm COVID-19 có nhiều khả năng trở nặng và phải nhập viện điều trị nếu chỉ số xơ hóa gan (FIB-4) cao. Cụ thể, tỷ lệ nhập viện điều trị COVID-19 ở nhóm nhiễm virus viêm gan C gấp 1,4 lần nhóm không nhiễm virus này.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tổn thương gan thường gặp ở những bệnh nhân nặng bị nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là các trường hợp có bệnh gan trước đó. Khoảng một nửa số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 có tình trạng tăng men gan, dấu hiệu chỉ báo tổn thương gan.

Để được tư vấn về biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người mắc viêm gan C khi nhiễm COVID-19, Quý khách vui lòng tham gia nhóm Zalo Bacsi Online để đặt câu hỏi và được trả lời trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ.

——

Tài liệu tham khảo:

Butt AA, Yan P, Chotani RA, Shaikh OS. Mortality is not increased in SARS-CoV-2 infected persons with hepatitis C virus infection. Liver Int. 2021 Aug;41(8):1824-1831.


Nguy cơ cục máu đông phụ nữ mang thai mắc COVID

Estrogen và COVID-19: nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai

Theo một nghiên cứu mới đây, phụ nữ đang mang thai hoặc sử dụng nội tiết tố estrogen như biện pháp tránh thai hoặc liệu pháp hormone thay thế có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn khi nhiễm COVID-19.

Tăng nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai khi mắc COVID-19

Tăng nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai khi mắc COVID-19

Sử dụng nội tiết tố estrogen có liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch. 

Ở phụ nữ mắc rối loạn đông máu trước đó, nguy cơ hình thành cục máu đông cao nhất trong năm đầu tiên điều trị liệu pháp hormone thay thế hoặc uống thuốc tránh thai chứa estrogen. 

Phụ nữ không mắc rối loạn đông máu cũng có nguy cơ đông máu tăng  khi dùng các loại thuốc chứa estrogen.

Khi mang thai, cơ thể sản xuất nhiều estrogen một cách tự nhiên, cũng có liên quan đến tăng hình thành cục máu đông. 

Nhiễm COVID-19 làm cho nguy cơ xảy ra cục máu đông tăng lên. Cục máu đông lớn làm cản trở lưu thông máu trong cơ thể, có thể gây gián đoạn lưu thông máu hoàn toàn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ não.

Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông  khi mắc COVID-19, tiến sĩ Hamid Mojibian của Trường Y Đại học Yale (Mỹ) khuyến nghị: “Tăng cường vận động thể dục thể thao, bỏ thuốc lá. Cắt giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn. Đặc biệt, tham vấn bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc tránh thai chứa estrogen hoặc liệu pháp hormone thay thế ở phụ nữ nhiễm COVID-19.”