Mãn kinh sớm là gì

Mãn kinh sớm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Do phẫu thuật hoặc bệnh lý, một số phụ nữ đã đến thời kỳ mãn kinh trước 40 tuổi. Mãn kinh sớm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần của người phụ nữ.

Nguyên nhân mãn kinh sớm là gì

Dấu hiệu mãn kinh sớm là gì?

Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi 45 đến 55, trung bình là 51 tuổi. Trường hợp phụ nữ mãn kinh trước độ tuổi này là mãn kinh sớm.

Phụ nữ mãn kinh sớm có thể gặp các triệu chứng khác nhau.

Biểu hiện đầu tiên của mãn kinh sớm thường là bất thường chu kinh nguyệt. Chu kỳ dài hơn hoặc ngắn hơn đáng kể so với bình thường.

Các triệu chứng mãn kinh sớm còn có:

– Ra máu bất thường giữa kỳ kinh

– Mỗi lần có kinh kéo dài quá một tuần

– Thời gian giữa các chu kỳ kinh kéo dài

– Ra máu kinh nhiều hơn bình thường

Ngoài ra, các triệu chứng khác gồm:

– Khô âm đạo

– Cơn nóng bừng (Bốc hỏa)

– Thay đổi cảm xúc thất thường

– Giảm ham muốn tình dục

– Khó ngủ hoặc mất ngủ

– Mất khả năng kiểm soát bàng quang hay tiểu không tự chủ (tiểu són)

– Đổ mồ hôi ban đêm

Cần lưu ý, các triệu chứng này có thể không phải mãn kinh sớm. Nên đi khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân khi gặp các dấu hiệu trên.

Nguyên nhân nào gây mãn kinh sớm?

Trong một số trường hợp, mãn kinh sớm biểu hiện sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật. Chẳng hạn, phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng gây mãn kinh ngay lập tức. Một số nguyên nhân khác nhau cần cắt bỏ buồng trứng như: ung thư buồng trứng hoặc phẫu thuật điều trị ung thư tử cung.

Điều trị ung thư: Hóa trị hoặc xạ trị cũng có thể gây suy chức năng buồng trứng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Do đó, dẫn tới mãn kinh sớm.

Nguy cơ mãn kinh sớm khi hóa trị, xạ trị phụ thuộc:

– Tuổi tác: Phụ nữ trẻ tuổi có khả năng phục hồi tốt hơn. Một số bệnh nhân trẻ bị ngừng có kinh nguyệt trong khi hóa trị. Nhưng sau khi kết thúc hóa trị một thời gian, kinh nguyệt có thể bắt đầu trở lại.

– Loại thuốc dùng trong hóa trị: Các loại thuốc khác nhau ảnh hưởng tới buồng trứng mức độ khác nhau.

– Vị trí xạ trị trên cơ thể: xạ trị quanh vùng não hoặc khung chậu làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm. Nguyên nhân do làm tổn thương buồng trứng nhiều hơn hoặc tổn thương trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng.

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây mãn kinh sớm bao gồm: di truyền, thói quen hút thuốc, ít vận động, béo phì, khiếm khuyết nhiễm sắc thể, bệnh động kinh, bệnh tự miễn.

Chẩn đoán mãn kinh sớm như thế nào?

Khoảng thời gian trước mãn kinh (tiền mãn kinh), chu kỳ kinh nguyệt không đều và thưa dần. Kèm theo các triệu chứng như cơn nóng bừng, đổ mồ hôi ban đêm,…

Mãn kinh được xác định sau 12 tháng liên tiếp không có chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng không do bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Không cần thiết phải đi khám để chẩn đoán mãn kinh. Hầu hết phụ nữ trung niên có thể tự đoán thời kỳ mãn kinh của mình qua các triệu chứng gặp phải.

Nếu không chắc chắn các triệu chứng do mãn kinh hoặc lo lắng có bệnh lý hay vấn đề sức khỏe khác, nên tới cơ sở y tế khám để xác định chắc chắn nguyên nhân.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nồng độ hormone để xác định các dấu hiệu do mãn kinh hay vấn đề sức khỏe nào khác.  

Điều trị triệu chứng mãn kinh sớm bằng cách nào?

Mãn kinh sớm thường không cần điều trị. Nhưng vẫn có các liệu pháp cải thiện các triệu chứng mãn kinh. Từ đó, giúp phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, phụ nữ mãn kinh trước 40 tuổi cần điều trị bổ sung các hormone cần thiết cho cơ thể cho đến tuổi mãn kinh tự nhiên.

Phương pháp điều trị phổ biến là liệu pháp hormone thay thế. Hormone estrogen được bổ sung cho cơ thể ở nhiều dạng khác nhau như viên uống, miếng dán da,…

Nhưng liệu pháp hormone thay thế thường đi kèm với tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư vú, đột quỵ não. Do đó, cần đi khám và nhận tư vấn từ bác sĩ về biện pháp điều trị, cân nhắc nguy cơ và lợi ích trước khi sử dụng liệu pháp trên.

Vấn đề sức khỏe có liên quan khác 

Tình trạng phổ biến nhất liên quan đến mãn kinh sớm là hết khả năng sinh sản. Bước vào thời kỳ mãn kinh có nghĩa khó có thể thụ thai và sinh con tự nhiên.

Khi mãn kinh, lượng estrogen sụt giảm làm tăng nguy cơ một số bệnh lý và vấn đề sức khỏe như: loãng xương, bệnh lý tim mạch, sa sút trí tuệ, rối loạn sức khỏe tâm thần,…

Liệu có thể đảo ngược quá trình này không?

Cho đến nay, chưa có biện pháp nào được khoa học chứng minh hiệu quả đảo ngược mãn kinh sớm. Song một số phương pháp điều trị giúp cải thiện các triệu chứng mãn kinh.

Năm 2016, nhóm các khoa học tại Hy Lạp công bố một nghiên cứu hứa hẹn giúp phụ nữ thời kỳ mãn kinh có thể thụ thai và sinh con tự nhiên.

Vẫn cần thêm các nghiên cứu đánh giá hiệu quả và an toàn của phương pháp điều trị trên, đem lại hy vọng đảo ngược quá trình này.

Quý khách có thể nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để được tư vấn trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh.


Hội chứng ruột kích thích sau mãn kinh

Hội chứng ruột kích thích tồi tệ hơn khi mãn kinh?

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Hội chứng ruột kích thích và mãn kinh đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone sinh dục giảm mạnh và có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.

Hội chứng ruột kích thích tồi tệ hơn khi mãn kinh

Mãn kinh có gây ra hội chứng ruột kích thích không?

Mãn kinh không gây ra hội chứng ruột kích thích. 

Ruột hoạt động tương tự một “bộ não thứ hai” trong cơ thể. Hàng triệu tế bào thần kinh phân bố rộng khắp hệ tiêu hóa, được gọi là hệ thần kinh ruột. Chúng có vai trò kiểm soát nhu động ruột, quá trình trao đổi chất qua niêm mạc và sản xuất các nội tiết tố ở ruột.

Hệ thần kinh ruột không chỉ hoạt động độc lập, mà còn liên hệ chặt chẽ với thần kinh trung ương. Mối liên hệ này mang tính chất hai chiều và được gọi là trục não ruột.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của trục não ruột. Hội chứng này khác với các triệu chứng tiêu hóa chung và tạm thời có thể xảy ra do thay đổi nồng độ hormone sinh dục.

Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích có thể bắt đầu biểu hiện vào thời kỳ mãn kinh. Và mãn kinh cũng có thể khiến các triệu chứng ruột kích thích tồi tệ hơn.

Một số ít người bị hội chứng ruột kích thích sau khi bị nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa. Đây được gọi là hội chứng ruột kích thích sau nhiễm khuẩn.

Nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến đường ruột như thế nào?

Thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone sụt giảm. 

Estrogen và progesterone góp phần điều hòa cơ ống tiêu hóa hoạt động trơn tru và ổn định để di chuyển thức ăn qua dạ dày và ruột. Táo bón hoặc tiêu chảy có thể xảy ra khi thiếu hụt estrogen và progesterone.

Estrogen và progesterone cũng tham gia kiểm soát hoạt động tiết acid dạ dày và dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Khi nồng độ hormone giảm, cơ thể không sản xuất đủ lượng acid dạ dày và dịch mật cần thiết. Dẫn tới tiêu chảy, táo bón và các triệu chứng khác, chẳng hạn như trào ngược dạ dày, đầy hơi.

Điều trị hội chứng ruột kích thích như thế nào?

Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích kết hợp giữa thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng thuốc.

Điều chỉnh chế độ ăn: Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ giúp giúp cải thiện tình trạng táo bón. Tránh các thức ăn và đồ uống kích thích, chẳng hạn như cà phê. Hạn chế các thực phẩm sinh hơi như đậu, sữa.

Thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu. Tập thói quen đi đại tiện vào khung giờ cố định trong ngày.

Hãy tuân thủ thuốc điều trị mà bác sĩ kê đơn (nếu có): Thuốc nhuận tràng hoặc chống tiêu chảy, thuốc kháng cholinergic, thuốc giảm đau,…


10 điều phụ nữ nên biết về mãn kinh

10 sự thật về mãn kinh mọi phụ nữ nên biết

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Thời kỳ mãn kinh đánh dấu sự kết thúc độ tuổi sinh sản ở người phụ nữ. Đó là một quá trình tự nhiên liên quan đến những thay đổi về nội tiết tố và sinh lý. Hiểu rõ những thay đổi sẽ xảy ra có thể giúp phụ nữ bước sang tuổi mãn kinh dễ dàng hơn.

Mãn kinh: 10 sự thật mọi phụ nữ nên biết

1. Mãn kinh không xảy ra đột ngột

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu 12 tháng sau kỳ kinh cuối cùng. Mãn kinh thường ở độ tuổi 40-58 và trung bình 51 tuổi.

Nếu phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, thời kỳ mãn kinh sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức.

Một số phương pháp điều trị, chẳng hạn như hóa trị, có thể kích hoạt thời kỳ mãn kinh. Tình trạng này có thể tạm thời và kinh nguyệt sẽ trở lại một thời gian sau khi điều trị kết thúc.

Một số bệnh lý cũng có thể khiến thời kỳ mãn kinh bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn.

2. Tiền mãn kinh có thể bắt đầu ở độ tuổi 40

Tiền mãn kinh là giai đoạn trước khi mãn kinh. Giai đoạn này có thể kéo dài trong 4-8 năm. Bước sang độ tuổi 40, nồng độ nội tiết tố estrogen và progesterone giảm dần và thời kỳ tiền mãn kinh bắt đầu. 

Chu kỳ kinh nguyệt thưa dần, xuất hiện không đều cho đến khi dừng hoàn toàn. Các triệu chứng mãn kinh bắt đầu xuất hiện.

Với phụ nữ ở độ tuổi 40, chậm kinh có thể là dấu hiệu mang thai hoặc mãn kinh.

3. Khó tránh khỏi các triệu chứng

Mãn kinh không phải là tình trạng bệnh lý, nhưng những thay đổi nội tiết tố có thể gây ra các triệu chứng. Mức độ có thể từ nhẹ tới nặng. Các triệu chứng có thể gặp như:

Nóng bừng: Cảm giác nóng đột ngột ở phần trên cơ thể ảnh hưởng đến 75% phụ nữ. Các cơn bốc hỏa thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm, cũng có thể kéo dài đến 10 năm hoặc lâu hơn. 

Đổ mồ hôi ban đêm: Những cơn bốc hỏa vào ban đêm gây ra tình trạng đổ mồ hôi đêm.

Khó ngủ: Đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng và lo lắng có thể khiến bạn khó ngủ.

Khô âm đạo: Kết quả có thể gây đau khi quan hệ tình dục.

Giảm ham muốn tình dục: Ham muốn tình dục có thể giảm khi lượng hormone sụt giảm. Khô âm đạo cũng có thể khiến việc quan hệ tình dục không thoải mái.

Thay đổi tâm trạng: Nồng độ hormone dao động và các yếu tố môi trường có thể góp phần gây ra căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

Loãng xương: Thay đổi nội tiết tố có thể góp phần gây loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương. 

4. Tình dục tuổi mãn kinh

Một số phụ nữ lo sợ rằng mãn kinh có nghĩa là họ sẽ kém hấp dẫn hơn hoặc không thể tận hưởng một cuộc sống tình dục trọn vẹn. Tuy nhiên, thời kỳ có thể mang một ý nghĩa mới về chuyện chăn gối, vì lo lắng về kinh nguyệt và mang thai giảm bớt.

Phụ nữ hoặc bạn đời có thể có những băn khoăn về chuyện tình dục. Giao tiếp cởi mở có thể giúp cả hai người vượt qua rào cản thời kỳ này. 

5. Cơ thể vẫn sản xuất hormone

Cơ thể không ngừng sản xuất estrogen sau mãn kinh. Estrogen đóng một vai trò trong các chức năng quan trọng khác. Và cơ thể vẫn cần một số estrogen, mặc dù với lượng nhỏ hơn.

Tuy nhiên, buồng trứng không còn tiết estrogen. Thay vào đó, các tuyến thượng thận sản xuất các hormone gọi là nội tiết tố androgen và aromatase, một loại hormone khác, chuyển đổi chúng thành estrogen.

6. Tăng cân ở tuổi mãn kinh

Nhiều phụ nữ tăng cân khi bước sang tuổi kỳ mãn kinh. Nhưng vẫn có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả bằng dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể lực phù hợp.

Lý do tăng cân có thể bao gồm: 

– Tăng cảm giác đói do thay đổi các hormone kiểm soát cơn đói. 

– Thay đổi sự trao đổi chất do các yếu tố nội tiết tố

– Chế độ ăn uống kém lành mạnh

– Ít hoạt động thể lực.

Tránh thừa cân giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ trung niên.

7. Stress thời kỳ mãn kinh

Nhiều phụ nữ khó tập trung và giảm khả năng ghi khi bước sang tuổi mãn kinh. Căng thẳng (stress) là một yếu tố ảnh hưởng đáng quan tâm.

Lý do gây căng thẳng có thể bao gồm: Các thay đổi về sinh lý trong cơ thể; áp lực cuộc sống gia đình và công việc; lo lắng về các vấn đề về tuổi tác.

Một số biện pháp giúp giảm tình trạng căng thẳng: tập thể dục thường xuyên, tham gia một lớp học yoga. Ghi chú công việc cần làm. Nếu có thể, tìm cách cân bằng giữa trách nhiệm và lợi ích cá nhân. Thường xuyên giao lưu với bạn bè và gia đình…

8. Vẫn có thể mang thai

Mãn kinh đánh dấu sự kết thúc những năm sinh sản của phụ nữ, nhưng cần lưu ý phụ nữ vẫn có thể mang thai trong khoảng thời gian này hoặc sau đó.

Các chu kỳ kinh nguyệt không đều và thưa dần và phụ nữ vẫn có thể mang thai. 

Những tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản đồng nghĩa có thể mang thai sau khi mãn kinh. Điều này có thể thực hiện với trứng hoặc phôi đã được lấy và bảo quản trước đó.

Tuy nhiên, nguy cơ sẩy thai, sinh non và các rủi ro cao hơn, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người tại thời điểm thụ thai.

9. Các biện pháp điều trị hiện nay

Điều trị hormone: Có thể giải quyết nhiều vấn đề bằng cách cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể không phù hợp với những người có nguy cơ đông máu, đột quỵ, ung thư vú, sa sút trí tuệ và bệnh lý túi mật. 

Thuốc chống trầm cảm: Liều thấp paroxetine có thể giúp điều trị chứng bốc hỏa.

Cải thiện chất lượng quan hệ tình dục: Sử dụng chất bôi trơn hoặc thuốc nội tiết dưới dạng vòng, kem hoặc viên nén để bôi trực tiếp giúp giảm khôi âm đạo.

Ngăn ngừa loãng xương: Thăm khám sức khỏe thường xuyên để đánh giá mật độ xương. Nếu kết quả cho thấy mật độ xương ngày càng giảm, có thểbổ sung vitamin D kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục để giảm nguy cơ loãng xương.

Ngoài ra, tập thể dục đều, hạn chế uống rượu, cà phê và duy trì thói quen ngủ lành mạnh cũng góp phần nâng cao sức khỏe.

10. Mãn kinh: Một khởi đầu mới

Mãn kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ, nhưng không phải là một căn bệnh. Và cũng không có nghĩa là cơ thể suy yếu hay già đi.

Các triệu chứng mãn kinh có thể xuất hiện ở độ tuổi trung bình là 50. Tuổi thọ của phụ nữ ngày một tăng và mối quan tâm với lão hóa ngày càng tăng.

Để được tư vấn các vấn đề về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh bởi Đội ngũ Bác sĩ, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online.


soy isoflavone giữ gìn thanh xuân

Soy Isoflavone – bí quyết duy trì sắc xuân cho phụ nữ

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Soy Isoflavone – tinh chất mầm đậu nành được nhiều chị em tin dùng như bí quyết bảo vệ sức khỏe và lưu giữ vẻ thanh xuân. Qua các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều lợi ích đối với sức khỏe nói chung và vấn đề nội tiết của phụ nữ nói riêng.

Soy Isoflavone bí quyết duy trì tuổi xuân của phụ nữ

1. Soy isoflavone là gì?

Soy isoflavone là một nhóm hoạt chất được được tìm thấy chủ yếu trong cây họ đậu. Ngoài ra, chất này còn được tìm thấy trong một số loại thảo mộc, chẳng hạn cỏ ba lá đỏ.

Hoat chất này là một phytoestrogen hay estrogen nguồn gốc thực vật có hoạt tính tương tự estrogen nội sinh trong cơ thể.

2. Cải thiện triệu chứng mãn kinh

Soy isoflavone là một phytoestrogen – estrogen nguồn gốc thảo mộc. Cấu trúc tương tự estrogen cho phép liên kết với các thụ thể estrogen.

Sụt giảm nội tiết tố estrogen nội sinh là nguyên nhân chính gây nên các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ, chẳng hạn như bốc hỏa, mất ngủ, da dẻ xấu đi,…

Phân tích kết quả 19 nghiên cứu cho thấy bổ sung soy isoflavone giảm mức độ nghiêm trọng của cơn bốc hỏa đáng kể so với sử dụng giả dược (chất không có tác dụng điều trị).

Phụ nữ châu Á, nơi đậu nành (giàu chất isoflavone) thường xuyên xuất hiện trong chế độ ăn uống, có tỷ lệ bị triệu chứng bốc hỏa thấp hơn nhiều so với phụ nữ tại Mỹ. 

3. Soy isoflavone và bệnh lý tim mạch

Soy isoflavone đã được nghiên cứu chứng minh giúp làm giảm LDL cholesterol (cholesterol “xấu”) trong máu. Tuy nhiên, dường như ít có hiệu quả làm tăng HDL cholesterol (cholesterol “tốt”).

LDL cholesterol được xem là cholesterol “xấu” vì chúng tích tụ trong thành động mạnh. Điều này khiến thành mạch bị xơ cứng kèm theo hẹp lòng mạch (xơ vữa động mạch).

Tổng hợp kết quả của 11 nghiên cứu cho thấy soy isoflavone làm giảm đáng kể tổng cholesterol và LDL cholesterol trong máu. Hiệu quả giảm LDL cholesterol ở những người tăng cholesterol máu rõ rệt hơn so với những người không tăng cholesterol máu.

Đồng thời giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu. Giảm cholesterol “xấu” giúp làm giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

4. Soy isoflavone và loãng xương

Loãng xương là rối loạn liên quan đến tuổi tác ảnh hưởng cả phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, thiếu hụt estrogen thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh càng làm tăng tốc độ loãng xương ở phụ nữ lớn tuổi.

Liệu pháp hormone thay thế được sử dụng ở phụ nữ mãn kinh giúp tăng tỷ lệ khoáng chất trong xương. Tuy nhiên, liệu pháp này gây ra nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung và các biến cố tim mạch.

Soy isoflavone với nguồn gốc tự nhiên có hoạt tính tương tự estrogen trong phòng chống loãng xương. Bổ sung tinh chất mầm đậu nành là biện pháp an toàn, hiệu quả để làm tăng tỷ lệ chất khoáng trong xương ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh.

Soy isoflavone và chức năng thần kinh trung ương

Nhiều nghiên cứu cho thấy soy isoflavone có lợi cho một số chức năng của não bộ. Hiệu quả này có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và giới tính.

Một nghiên cứu trên phụ nữ sau mãn kinh, so sánh nhóm bổ sung 91mg soy isoflavone hàng ngày với nhóm dùng giả dược. Kết quả, bổ sung soy isoflavone đã cải thiện trí nhớ thị giác và chức năng nhận thức. 

Hiệu quả cải thiện chức năng thần kinh trung ương tốt hơn ở phụ nữ sau mãn kinh 5-10 năm so với nhóm đã mãn kinh hơn 10 năm. Kết quả này gợi ý phụ nữ mãn kinh nên bổ sung soy isoflavone sớm cho sẽ mang lại lợi ích tốt hơn.

Như vậy, soy isoflavone mang lại nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng cho phụ nữ thiếu hụt estrogen. Hiện nay, công nghệ bào chế hiện đại cho phép chiết xuất dạng viên nang. Đây là cách bổ sung tinh chất mầm đậu nành hiệu quả và phù hợp với lối sống hiện đại.

Để được hỗ trợ về các triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh và cách bổ sung soy isoflavone hiệu quả, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online.


Black Cohosh cho phụ nữ thiếu hụt estrogen

Black Cohosh: cải thiện triệu chứng mãn kinh và 6+ lợi ích sức khỏe khác

Black Cohosh là một loại thảo dược nổi tiếng và đã có các nghiên cứu khoa học rõ ràng cho thấy tác dụng cải thiện các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo, đổ mồ hôi đêm. Ngoài ra, thảo dược này còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác. 

Black Cohosh Thảo dược cho phụ nữ thiếu hụt estrogen

Black Cohosh là cây gì?

Black cohosh là loại thảo mộc có hoa nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Có tên khoa học là Actaea racemosa. Ngoài ra, cây còn có tên gọi khác như định phong thảo, xích tiễn, thần thảo,…

Thảo dược Black cohosh có chứa hợp chất phytoestrogen (estrogen nguồn gốc thực vật) – có tác dụng tương tự estrogen được sản xuất trong cơ thể.

Loại cây này có lịch sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền. Người dân bản địa Bắc Mỹ dùng hoa và rễ của nó để điều trị đau cơ xương, vấn đề phụ khoa ở nữ giới. 

Gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu đánh giá các công dụng khác nhau của cây Black cohosh đối với việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ.

Lợi ích sức khỏe của Black Cohosh không chỉ với mãn kinh, tiền mãn kinh

Không chỉ sử dụng với các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ trung niên nói riêng, lợi ích của Black cohosh đã được nghiên cứu tính hiệu quả tôt với nhiều loại bệnh khác thường gặp ở nữ giới do vấn đề rối loạn nội tiết. 

1. Giảm triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh

Tác dụng làm giảm các triệu chứng khó chịu thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ là lý do hàng đầu trong sử dụng Black cohosh. Đây cũng là lợi ích của Black cohosh đã được nghiên cứu nhiều nhất và có rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh tính hiệu quả tốt đối với vấn đề này.

Một nghiên cứu trên 80 phụ nữ mãn kinh có triệu chứng bốc hỏa. Những phụ nữ này đã bổ sung 20mg Black cohosh hàng ngày trong vòng 8 tuần. Kết quả, triệu chứng bốc hỏa được cải thiện đáng kể so với trước khi dùng thảo mộc này.

Nhiều nghiên cứu khác cũng thu được kết quả tương tự về hiệu quả của Black cohosh ở phụ nữ sụt giảm nồng độ nội tiết tố estrogen liên quan đến tuổi tác. 

2. Cải thiện giấc ngủ

Một nghiên cứu đã tiến hành với 42 phụ nữ mãn kinh cho thấy bổ sung Black cohosh giúp cải thiện cả về thời gian và chất lượng giấc ngủ. 

Theo một nghiên cứu khác, Black cohosh kết hợp với một số dược chất khác (trinh nữ Châu Âu, kẽm và axit hyaluronic) giúp cải thiện cơn bốc hỏa có liên quan đến chứng mất ngủ và lo lắng.

3. Cải thiện sức khỏe tinh thần

Black cohosh có thể có một số tác dụng hữu ích đối với sức khỏe tinh thần, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh.

Một nhóm nghiên cứu đã phân tích gộp 21 thử nghiệm đánh giá hiệu quả sử dụng thảo mộc Black cohosh đối với chứng lo âu và trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh. Các nhà nghiên cứu chỉ ra bổ sung Black cohosh ít có hiệu quả với triệu chứng lo lắng, nhưng có tác dụng cải thiện đáng kể các triệu chứng rối loạn tâm lý khác.

Mặc dù vậy, vẫn cần thêm các nghiên cứu giúp tìm hiểu đầy đủ về tác dụng của Black cohosh đối với sức khỏe tâm thần.

4. Giảm cân

Bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ mãn kinh có nhiều nguy cơ tăng cân ngoài ý muốn, do giảm sút nồng độ estrogen tự nhiên.

Về mặt lý thuyết, Black cohosh tác dụng tương tự nội tiết tố estrogen, nên có thể hỗ trợ giảm cân cũng như kiểm soát cân nặng ở phụ nữ mãn kinh. Nhưng hiện còn khá ít bằng chứng khoa học về tác dụng của thảo dược này đối với việc giảm cân.

5. Hỗ trợ điều trị ung thư

Chiết xuất của Black cohosh có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư da. 

Nghiên cứu trên động vật và cả trên người đều thu được kết quả, chiết xuất thảo dược này tăng cường hiệu quả điều trị hóa chất đối với ung thư vú. 

Chiết xuất bằng dung môi isopropanolol của Black cohosh có công dụng ức chế tế bào ung thư vú xâm lấn (lan ra) mô xung quanh.

6. Hỗ trợ điều trị một số vấn đề sức khỏe ở phụ nữ

Ngoài các tác dụng nêu trên, Black cohosh cũng được sử dụng điều trị một số vấn đề sức khỏe khác ở phụ nữ. Dưới đây là một số lý do khác mà phụ nữ có thể sử dụng thảo mộc Black cohosh để điều chỉnh mất cân bằng nội tiết tố:

– Hội chứng buồng trứng đa nang (POCS): Bổ sung Black cohosh có thể làm tăng cơ hội mang thai của phụ nữ mắc buồng trứng đa nang được điều trị Clomid (một loại thuốc hỗ trợ sinh sản). Bên cạnh đó, Black cohosh còn có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ đa nang buồng trứng.

– U xơ tử cung: Nghiên cứu trên 244 phụ nữ sau mãn kinh báo cáo sử dụng 40mg Black cohosh hàng ngày trong 3 tháng có thể làm giảm tới 30% kích thước khối u xơ tử cung.

– Hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn khó thở tiền kinh nguyệt: Một số tác giả cho biết thảo mộc Black cohosh có tác dụng cải thiện các triệu chứng khó chịu trước kinh nguyệt và rối loạn khó thở tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học về tác dụng này còn hạn chế.

7. Hỗ trợ cải thiện kích thước vòng 1 và giúp ngực săn chắc hơn

Theo các nghiên cứu, Black cohosh cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng cải thiện vẻ đẹp làn da.

Đặc biệt, hoạt chất phytoestrogen trong Black cohosh hoạt động tương tự nội tiết tố estrogen trong cơ thể. Hỗ trợ tăng kích thước vòng 1 và giúp ngực săn chắc hơn. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng thảo được này.

Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng Black cohosh

Black cohosh có thể có một số tác dụng phụ nhưng thường nhẹ. Chẳng hạn như, gây khó chịu ở dạ dày tiêu hóa, buồn nôn, phát ban trên da, đau cơ, ra máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên, Black cohosh cũng có liên quan đến một số trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng. Vì vậy, không nên dùng bổ sung cây thuốc này với những người có bệnh gan trước đó.

Để được tư vấn cách sử dụng thảo dược Black cohosh an toàn, hiệu quả cho phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để đặt câu hỏi và được trả lời trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ.


Wild Yam bổ sung nội tiết tố nữ

9 lợi ích sức khỏe của Wild Yam dựa trên bằng chứng khoa học

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Trong y học cổ truyền, Wild Yam đã được sử dụng điều trị rối loạn mất cân bằng hormone gây nên các triệu chứng khó chịu trước kỳ kinh nguyệt và đau bụng kinh. Bên cạnh đó, loài thực vật này còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Lợi ích sức khỏe của Wild Yam

Wild Yam là gì?

Wild Yam (khoai lang hoang dã) có tên khoa học là Dioscorea Villosa. Có nhiều tên gọi khác của Wild Yam, chẳng hạn như rễ colic, xương quỷ, rễ thấp khớp.

Đây là một loài thực vật có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, Mexico và một phần Châu Á. Từ lâu, rễ và củ của cây được sử dụng trong y học cổ truyền.

Các nghiên cứu gần đây phát hiện Wild Yam có chứa một chất hóa học gọi là diosgenin, được xác định mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.

Diosgenin là một loại phytosteroid. Phytosteroid là các steroid có nguồn gốc thực vật tương tự như các steroid được sản xuất trong cơ thể con người.

Lợi ích sức khỏe của Wild Yam

1. Wild Yam và các vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt

Từ thế kỷ 18, các nhà thảo dược đã sử dụng Wild Yam để chữa đau bụng kinh. Dường như, thực vật này ảnh hưởng đến hormone theo cách tương tự như estrogen (nội tiết tố nữ). Cần thêm nghiên cứu để đánh giá về tác dụng này.

Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu có xu hướng tập trung vào đánh giá tác động có thể có của Wild Yam đối với các triệu chứng mãn kinh, chẳng hạn như tác dụng làm dịu cơn bốc hỏa tiền mãn kinh.

2. Hỗ trợ chức năng sinh sản

Trong y học cổ truyền, Wild Yam được dùng điều trị hỗ trợ sinh sản. Nó được cho là giúp tối ưu hóa nồng độ estrogen và cải thiện chất lượng và số lượng chất nhầy cổ tử cung.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng sử dụng chế phẩm từ loại cây này không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản vì nó không sản xuất progesterone trong cơ thể.

Trong khi đó, những tác giả khác cho biết Khoai lang hoang dã tiết ra một dạng progesterone tự nhiên được cơ thể hấp thụ nhanh chóng khi được sử dụng dạng kem bôi ngoài da.

Mối liên hệ giữa thực vật này và khả năng sinh sản là do trong chu kỳ sinh sản điển hình, cơ thể sản xuất lượng progesterone tăng lên ngay sau khi rụng trứng.

Nồng độ progesterone tăng lên giúp lớp nội mạc tử cung phát triển, làm dày thành tử cung. Tạo điều kiện cho trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển thành thai nhi.

3. Lợi ích về sức khỏe tim mạch

Khi mãn kinh, phụ nữ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do giảm lượng estrogen (chất có vai trò hỗ trợ sức khỏe tim mạch).

Một số chuyên gia cho biết: một công dụng khác của Wild Yam có thể là giảm cholesterol xấu (LDL), làm giảm nguy cơ  bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Life Sciences cho thấy những người lớn tuổi dùng Wild Yam có mức triglyceride thấp hơn – một loại chất béo trong máu.

Cần thêm nhiều nghiên cứu về lợi ích của Wild Yam ở những người có cholesterol máu cao.

4. Wild Yam và viêm khớp

Wild Yam còn được gọi là “rễ thấp khớp”. Tên gọi này bắt nguồn do nó được sử dụng thường xuyên để điều trị đau cơ, khớp (thấp khớp) vào thế kỷ 19.

Năm 2013, nghiên cứu trên trên Tạp chí Y học BMC kết luận rằng chiết chiết xuất Khoai lang hoang dã làm giảm đáng kể các yếu tố viêm trong mẫu máu của chuột thí nghiệm.

5. Chứa nhiều chất dinh dưỡng

Wild Yam có nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi như kali, một lượng nhỏ Vitamin C, Vitamin B6 và beta carotene (tiền chất của vitamin A).

Củ của cây chứa nhiều tinh bột nhưng có chỉ số đường huyết thấp – rất thân thiện với người bị tiểu đường. Giàu chất xơ chiếm tỷ lệ 2% khối lượng – cao hơn 10 lượng chất xơ có trong gạo trắng và gấp gần 2 lần trong gạo lứt.

Bột chiết xuất Wild Yam giàu chất xơ và dinh dưỡng

6. Kiểm soát đường máu

Bệnh cạnh có chỉ số đường huyết tương đối thấp, một số loại đường có trong Wild Yam đặc biệt tồn tại dưới dạng đường đa polysaccharide (gồm nhiều đơn vị đường đơn nối nhau). Đường đa polysaccharide có tác dụng rất tốt với sức khỏe con người.

Một số polysaccharid từ Wild Yam làm giảm lượng đường trong máu, trong khi số polysaccharid khác có đặc tính chống oxy hóa mạnh.

Hàm lượng chất xơ (glucomannan) trong Wild Yam góp phần giảm lượng đường glucose trong máu. Do nó làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và làm chậm sự hấp thu glucose tại ruột.

Một số nghiên cứu chỉ ra chất xơ glucomannan làm giảm lượng đường máu nhưng không gây cảm giác đói và ức chế sự thèm ăn ở người mắc bệnh tiểu đường type 2.

7. Tốt cho quá trình giảm cân lành mạnh

Thành phần chất xơ glucomannan có thể có lợi trong việc giảm cân.

Điều này là do chất xơ chuyển thành dạng gel trong dạ dày, khiến bạn cảm thấy no lâu hơn. Vì vậy, giúp hạn chế cảm giác thèm ăn và giảm ăn vặt giữa các bữa ăn.

8. Phòng ngừa ung thư

Ngoài lượng vitamin và khoáng chất, Wild Yam còn chứa các chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa ung thư.

Một nghiên cứu trên chuột năm 2014 cho kết quả chế độ ăn giàu Wild Yam có thể làm giảm đáng kể các khối u đại tràng.

Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy tác dụng ngăn ngừa ung thư có liên quan chặt chẽ đến nhiều chất chống oxy hóa trong Wild Yam.

9. Tăng cường chức năng thần kinh

Năm 2017, một nghiên cứu công bố cho thấy những người sử dụng chiết xuất Wild Yam có hoạt động não bộ tốt hơn những người sử dụng giả dược.

Thành phần Diosgenin trong Khoai lang hoang dã có hiệu quả cải thiện sự phát triển của tế bào thần kinh và tăng cường sức khỏe não bộ nói chung.

Một số thử nghiệm cũng báo các tác dụng của Wild Yam tăng cường trí nhớ và kỹ năng học tập ở chuột và các thử nghiệm động vật khác.

Để được tư vấn cách sử dụng chiết xuất Wild Yam bảo vệ sức khỏe, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để đặt câu hỏi và được trả lời trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ.


Ra máu bất thường sau mãn kinh

Bất thường ra máu sau mãn kinh: 5 điều phụ nữ nên biết

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Đừng bao giờ bỏ qua hiện tượng ra máu sau mãn kinh. Đó là một trong những dấu hiệu bất thường về sức khỏe ở phụ nữ. Dưới đây là những điều phụ nữ sau mãn kinh nên biết.

Thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ được xác định khi sự mất kinh tồn tại trong vòng 12 tháng tính từ chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Nếu chảy máu âm đạo sau 12 tháng không hành kinh, thì đó được gọi là chảy máu sau mãn kinh. 

Ra máu sau mãn kinh là một trong những dấu hiệu bất thường về sức khỏe ở phụ nữ

1. Ra máu sau mãn kinh không bao giờ là bình thường

Trong thời kỳ sau mãn kinh, chảy máu âm đạo dù chỉ lượng nhỏ vẫn có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

“Bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt nếu bị ra máu”, bác sĩ Mantia Smaldone chuyên khoa ung thư phụ khoa tại Viện Ung thư Fox Chase (Mỹ) cho biết.

2. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra máu sau mãn kinh, trong đó có bệnh lý ác tính

Trong hầu hết các trường hợp, chảy máu sau mãn kinh là do các vấn đề như teo nội mạc tử cung (lớp niêm mạc tử cung mỏng đi), u xơ hoặc polyp tử cung. Nhưng chảy máu âm đạo cũng có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung – một bệnh lý ác tính của niêm mạc tử cung.

Bác sĩ Mantia Smaldone cho biết: “Cần can thiệp sớm nếu đó là ung thư, vì điều trị sớm sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn.”

Nếu ung thư nội mạc tử cung được phát hiện sớm, 95% phụ nữ mắc ung thư này sống được hơn 5 năm sau khi chẩn đoán bệnh.

3. Tuổi cao là yếu tố ảnh hưởng nguy cơ ra máu sau mãn kinh

Thời gian sau mãn kinh càng lâu, nguy cơ ra máu âm đạo bất thường càng giảm. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ ra máu âm đạo trong năm đầu tiên cao hơn đáng kể so với những năm sau đó.

Phụ nữ đã mãn kinh một thời gian vẫn cần chú ý hiện tượng chảy máu âm đạo. Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư phổ biến gặp ở phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh.

4. Chẩn đoán nguyên nhân

Ra máu sau mãn kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mục tiêu đầu tiên việc thăm khám để loại trừ nguyên nhân do ung thư.

Bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám và hỏi bệnh về triệu chứng ra máu, tiền sử bản thân và gia đình. Sau đó, siêu âm để đánh giá độ dày của niêm mạc tử cung. Lớp niêm mạc tử cung của phụ nữ sau mãn kinh thường khá mỏng.

Ung thư nội mạc tử cung có thể khiến lớp niêm mạc tử cung dày lên. Nếu niêm mạc tử cung của bạn dày hơn bình thường, bác sĩ sẽ đề nghị làm sinh thiết nội mạc tử cung lấy một lượng nhỏ mô để kiểm tra dưới kính hiển vi.

5. Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa sản phụ nếu bị chảy máu sau mãn kinh

Nếu kết quả thăm khám ban đầu nghi ngờ nguyên nhân chảy máu âm đạo do ung thư, bạn nên tiếp tục tới khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa ung thư phụ khoa.

Nếu được xác định mắc ung thư nội mạc tử cung thì phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là phẫu thuật cắt tử cung và nạo những hạch bạch huyết lân cận. Sau đó, có thể kết hợp điều trị bằng hóa chất hoặc tia xạ.

Để được tư vấn các vấn đề về sức khỏe phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để đặt câu hỏi và được trả lời trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ.


Vô sinh hiếm muộn

Các vấn đề sức khỏe sinh sản gây vô sinh- hiếm muộn ở nữ giới

Vô sinh- hiếm muộn luôn là nỗi lo lắng hàng đầu của chị em phụ nữ, vậy đâu là những nguyên nhân phổ biến có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản ở nữ giới là điều mà phụ nữ cần hiểu biết để có thể chăm sóc chính mình.

1.Rối loạn chức năng tình dục nữ

Đau rát khi quan hệ, thiếu hứng thú với tình dục hay quan hệ tình dục không thỏa mãn. Đây chỉ là một số tình trạng được gọi là rối loạn chức năng tình dục và được coi là dấu hiệu cảnh báo sự suy giảm về sức khỏe. Ở độ tuổi sinh sản thì đây vừa là nguyên nhân gây vô sinh hoặc là hậu quả của nó.

2.Lạc nội mạc tử cung

Điều này xảy ra khi niêm mạc tử cung bị lạc chỗ trong tiểu khung bên ngoài buồng tử cung. Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí của niêm mạc bị lạc chỗ và có thể bao gồm đau bụng kinh, rối loạn tiểu tiện, vô sinh, quan hệ đau, và đau trong khi đi đại tiện. Trên thực tế, những phụ nữ gặp khó khăn trong quá trình thụ thai có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung cao gấp 6 đến 8 lần so với những phụ nữ hiếm muộn. Phẫu thuật hoặc thụ tinh trong ống nghiệm có thể cải thiện khả năng mang thai.

3.Ung thư cổ tử cung

Ung thư thường không được phụ nữ trẻ quan tâm, nhưng loại ung thư này do vi rút human papillomavirus (HPV) gây ra. Đó là mối đe dọa nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 11.000 phụ nữ mắc bệnh. Nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ. Mặt khác: Nhờ xét nghiệm Papanicolaou – phết tế bào cổ tử cung, bác sĩ có thể phát hiện và điều trị sớm. Nhưng nhiều phương pháp điều trị có thể gây vô sinh. Do đó nếu bị ung thư cổ tử cung, hãy yêu cầu các lựa chọn để bạn có thai sau này.

4.Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Nhiều phụ nữ không biết mình mắc phải nguyên nhân gây vô sinh – hiếm muộn hàng đầu hiện nay là buồng trứng đa nang (PCOS). Đây là hiện tượng có nang trong buồng trứng làm rối loạn cân bằng hormone, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và có thể dẫn đến:

+ U nang trên một hoặc cả hai buồng trứng

+ Kinh nguyệt không đều

+ Lông tóc phát triển quá mức (hiện tượng rậm lông)

+ Tâm trạng thay đổi thất thường

+ Cảm giác đau và khó chịu ở vùng chậu

Do đó, chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, và đến ngay cơ sở y tế khi có những triệu chứng bất thường để can thiệp điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

5.Suy buồng trứng sớm

Là tình trạng các hoạt động nội tiết/ ngoại tiết của buồng trứng ngưng hoàn toàn trước tuổi 40. Dẫn đến không thể thực hiện được chức năng sản sinh và nuôi dưỡng trứng để duy trì hoạt động sinh sản ở nữ giới. Bên cạnh đó, các chức năng sinh dục khác của phụ nữ cũng bị ảnh hưởng do hormone kích thích ham muốn không được sản sinh, các nội tiết tố bị rối loạn gây mất cân bằng cơ thể. Cơ thể sẽ gặp một số tình trạng sau:

+ Rối loạn kinh nguyệt trong một thời gian dài

+ Chóng mặt, buồn nôn

+ Mất ngủ giữa đêm.

+ Giảm ham muốn tình dục, luôn né tránh chuyện giường chiếu.

+ Âm đạo bị khô và đau rát khi quan hệ tình dục.

6.U xơ tử cung

U xơ tử cung là những khối u lành tính ở cơ tử cung, còn được gọi là u xơ cơ tử cung. Bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 35- 50 tuổi, các khối u thường gây nên vô sinh hoặc không sinh đẻ được. Không phải tất cả các trường hợp u xơ đều phải điều trị. Đối với các khối u nhỏ, chưa gây biến chứng có thể theo dõi tại cơ sở, khám phụ khoa định kỳ 3 tháng 1 lần. Đa số khối u teo nhỏ sau tuổi mãn kinh. Nếu theo dõi thấy khối u to lên hoặc gây biến chứng chảy máu kinh nguyệt nhiều cần chuyển tuyến chuyên khoa khám và điều trị.

7.Thừa cân

Thừa cân có thể làm tăng tỷ lệ vô sinh, sảy thai và các vấn đề sinh sản khác. Trong một nghiên cứu về những phụ nữ thừa cân đang điều trị vô sinh, những phụ nữ mà giảm 10% cân nặng có khả năng mang thai thành công so với những người không giảm. Do đó duy trì cân nặng trong giới hạn BMI từ 19.5 -23.5 để có cơ thể khỏe mạnh.

8.Bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục

Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến là bệnh lậu và Chlamydia. Đây là các bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của người phụ nữ do đó cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị, bệnh lậu và chlamydia có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID), một bệnh nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản của bạn. Có thể dẫn đến các vấn đề như:

+ Tắc nghẽn ống dẫn trứng

+ Chửa thai ngoài tử cung (mang thai ngoài tử cung)

+ Vô sinh

9.Lão hóa

Tuổi tác góp phần gây ra các vấn đề về sinh sản – đặc biệt là khả năng thụ thai. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ vô sinh trong độ tuổi 19-26 là 8%, độ tuổi 27-34 tuổi là 13% và ở 35 – 39 tuổi chiếm tới 18%. Dù vậy đừng quá lo lắng vì ở tuổi 39 vẫn có 82% tỷ lệ mang thai.

———

Nguồn: Traci C. Johnson, MD 2021 WebMD Women’s Health: Top Reproductive Problems

https://www.webmd.com/women/ss/slideshow-women-reproductive-problems

 


Estrogen bảo vệ phụ nữ mắc COVID

Liệu pháp Estrogen giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19

Từ một nghiên cứu trên toàn quốc sử dụng dữ liệu từ Thụy Điển, được công bố ngày 14 tháng 2 năm 2022 trên tạp chí BMJ Open, bởi Malin Sund và các đồng nghiệp, thuộc Khoa Y Đại học Umeå, Thụy Điển. Trong số những phụ nữ sau mãn kinh từ 50 – 80 tuổi bị nhiễm COVID-19, những người sử dụng estrogen thay thế có nguy cơ tử vong thấp hơn 50% so với những người không nhận được sử dụng estrogen thay thế. Nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ giữa nồng độ estrogen và tử vong do COVID-19.

Nhưng cũng có quan điểm khác, Anne-Marie Fors Connolly, MD, công tác trong ngành vi sinh học tại Đại học Umeå, cho rằng loại nghiên cứu này được gọi là “quan sát”, có nghĩa là kết quả cần phải được xác nhận trước khi các bác sĩ có thể xem xét và bổ sung estrogen cho mục đích nghiên cứu này.

Stephen Evans, Giáo sư Dược học, Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London đồng tình với quan điểm trên. Đây là một nghiên cứu quan sát so sánh ba nhóm phụ nữ, dựa trên việc họ sử dụng liệu pháp nội tiết thay thê để tăng mức độ estrogen. Những phát hiện này rõ ràng là rất đáng kinh ngạc. Ông nói: “Có những lợi ích ngắn hạn của liệu pháp hormone mãn kinh, nên dùng liệu pháp thay thế này để làm giảm tử vong khi nhiễm COVID-19.

Phụ nữ có tử vong ít hơn vì COVID-19 so với nam giới không?

Các nghiên cứu được tiến hành sớm trong đại dịch cho thấy phụ nữ có thể được bảo vệ khỏi những biến chứng xấu của SARS-CoV-2 so với nam giới.

Theo số liệu gần đây hơn của Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển, khoảng 45% trong số 16.501 người đã chết vì COVID-19 ở đó kể từ khi bắt đầu đại dịch là phụ nữ và 55% là nam giới. Khoảng 70% những người được chăm sóc đặc biệt do COVID-19 là nam giới, mặc dù dữ liệu tích lũy hiện nay cho thấy rằng phụ nữ có nguy cơ tử vong vì COVID-19 gần như nam giới.

Đối với nghiên cứu hiện tại, tổng cộng 14.685 phụ nữ có độ tuổi từ 50–80 tuổi, trong đó 17,3% (2.535) đã được bổ sung estrogen thay thế, 81,2% (11.923) có mức estrogen tự nhiên không bị ung thư vú hoặc mãn kinh và 1,5% (227) phụ nữ bị giảm nồng độ estrogen do ung thư vú và điều trị bằng thuốc kháng estrogen.

 Ở nhóm bị giảm nồng độ estrogen có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn gấp hai lần so với bệnh nhân được bổ sung, nhưng sự khác biệt này không còn có ý nghĩa thống kê sau khi các nhà khoa học điều chỉnh số liệu về các yếu tố đã biết ảnh hưởng đến tử vong do COVID- 19, bao gồm tuổi, thu nhập và trình độ học vấn, và số bệnh đồng thời (bệnh đi kèm).

Nhưng nhóm có nồng độ estrogen từ liệu pháp thay thế lại giảm được khoảng 55% nguy cơ tử vong do COVID-19 và điều này vẫn được duy trì ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố tương tự.

Tuy nhiên, các nhà khoa học không có thông tin về bệnh béo phì, hiện nay được biết đến là một yếu tố nguy cơ gây tử vong do COVID-19.

Tỷ lệ phụ nữ chết vì COVID-19 là 10,1% trong số những người bị giảm estrogen, 4,6% với mức estrogen tự nhiên và 2,1% ở những người dùng liệu pháp thay thế hormon có tăng estrogen.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Do đó, các loại thuốc làm tăng nồng độ estrogen có thể có vai trò trong các nỗ lực điều trị nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 ở phụ nữ sau mãn kinh, nhưng họ nhấn mạnh rằng điều này cần được nghiên cứu trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên”.

Connolly đưa ra một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên hiện đang diễn ra ở Hoa Kỳ chọn 120 đối tượng để điều tra tác dụng của liệu pháp estradiol và progesterone ở người lớn nhập viện với COVID-19.

Bà cũng đưa ra ý kiến “Trong khi chờ đợi kết quả nghiên cứu vui lòng không xem xét việc dừng điều trị bằng thuốc kháng estrogen sau khi bị ung thư vú, đây là điều trị cần thiết cho căn bệnh ung thư”.

————-

Nguồn: Women on Estrogen Replacement Less Likely to Die From COVID

https://www.webmd.com/lung/news/20220218/women-estrogen-replacement-less-likely-die-covid


Estrogen bảo vệ phụ nữ mắc COVID

Bổ sung estrogen giảm tử vong do COVID-19 ở phụ nữ mãn kinh

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở phụ nữ mãn kinh giảm khi được sử dụng liệu pháp hormone thay thế giúp tăng nồng độ estrogen.

Theo một nghiên cứu được công bố trên BMJ Open, bổ sung estrogen có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong do COVID-19 ở phụ nữ sau mãn kinh.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Umea (Thụy Điển) thu thập dữ liệu thống kê quốc gia thông tin về các phụ nữ mãn kinh nhiễm SARS-CoV-2 để đánh giá liệu pháp bổ sung estrogen có làm giảm tỷ lệ tỷ lệ tử vong do COVID-19 hay không. Dữ liệu có 14.685 phụ nữ từ 50 đến 80 tuổi, chia thành 3 nhóm. 

– Nhóm 1 gồm 227 phụ nữ mắc ung thư vú đang điều trị nội tiết (nồng độ estrogen giảm); 

– Nhóm 2 gồm 2.535 phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone thay thế (nồng độ estrogen tăng);

– Nhóm 3 gồm 11.923 phụ nữ không điều trị nội tiết – nhóm đối chứng (nồng độ estrogen sau mãn kinh).

Phụ nữ mãn kinh & COVID-19

Theo nghiên cứu này, nguy cơ tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 thấp nhất nhóm phụ nữ mãn kinh sử dụng liệu pháp hormone (bổ sung estrogen). Nhóm có nồng độ estrogen giảm có nguy cơ tử vong cao nhất, cao gấp hơn 5 lần nhóm được bổ sung estrogen. Nhóm phụ nữ mãn kinh không điều trị nội tiết cũng có nguy cơ tử vong cao hơn nhóm được bổ sung estrogen. 

Theo nhóm tác giả, cần thêm các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên để đánh giá hiệu quả giảm mức độ nghiêm trọng và tử vong do COVID-19 của liệu pháp bổ sung estrogen ở phụ nữ mãn kinh.