Bốc hỏa

Bốc hỏa tuổi mãn kinh: nguyên nhân và cách kiểm soát

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Vào khoảng 40 tuổi, nồng độ hormone estrogen và progesterone suy giảm ở phụ nữ. Tiền mãn kinh hay quá trình chuyển tiếp mãn kinh bắt đầu. Trong giai đoạn này, phụ nữ có thể gặp các triệu chứng rối loạn vận mạch như cơn bốc hỏa, ra mồ hôi đêm,…

1. Bốc hỏa tuổi mãn kinh là gì?

Rối loạn vận mạch là những triệu chứng xảy ra do rối loạn điều hòa sự co thắt hoặc giãn nở của các mạch máu.

Bước sang thời kỳ mãn kinh, sự dao động lớn nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến cơ chế kiểm soát huyết áp và thân nhiệt của cơ thể. Từ đó dẫn tới các triệu chứng rối loạn vận mạch như cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm,…

Bốc hỏa là triệu chứng rối loạn vận mạch tuổi mãn kinh hay gặp nhất

Theo Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ (NAMS), có tới 75% phụ nữ Hoa Kỳ trải qua những cơn bốc hỏa trong thời kỳ tiền mãn kinh. Cơn bốc hỏa thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 2 năm và có thể kéo dài tới 10 năm ở một số phụ nữ.

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 45 đến 55. Trung bình là 51 tuổi. Dấu hiệu mãn kinh có thể xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn, được gọi là mãn kinh sớm. Mãn kinh sớm có thể xảy ra tự nhiên, hoặc sau phẫu thuật, do điều trị thuốc hoặc có rối loạn bệnh lý khác.

2. Các triệu chứng bốc hỏa

Mãn kinh không phải là một rối loạn bệnh lý. Mà đó là một quá trình chuyển tiếp bình thường mà hầu hết phụ nữ sẽ trải qua.

Các hormone đóng một vai trò trong điều hòa hoạt động của hệ tim mạch. Do đó, dao động nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến chức năng hệ tim mạch. Đồng thời, thay đổi nồng độ hormone cũng tác động đến hệ thần kinh có vai trò kiểm soát thân nhiệt.

Cơn bốc hỏa (nóng bừng) là triệu chứng chính của rối loạn vận mạch. Trong cơn bốc hỏa, cảm giác nóng đột ngột ở vùng ngực, cổ và mặt. Da tại các vị trí này có thể bừng đỏ.

Ngoài ra, phụ nữ tuổi mãn kinh có thể gặp các triệu chứng rối loạn vận mạch khác như: đổ mồ hôi, nhất là đổ mồ hôi ban đêm, cảm giác hồi hộp tim đập mạnh.

3. Nguyên nhân bốc hỏa tuổi mãn kinh

Cơ chế cụ thể có các triệu chứng trên chưa được nêu rõ. Nguyên nhân của các cơn bốc hỏa có thể do thay đổi chức năng thần kinh gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn.

Một số nhà khoa học cho rằng những cơn bốc hỏa bắt nguồn từ thay đổi ở phần não điều hòa nhiệt độ cơ thể. Nồng độ estrogen giảm đột ngột ở phụ nữ tiền mãn kinh tác động đến vùng não trên. Tuy nhiên, vai trò chính xác của hormone trong cơ chế gây cơn bốc hỏa vẫn chưa rõ. 

Một số tác nhân có thể gây xuất hiện cơn bốc hỏa gồm: ăn đồ cay nóng, uống cà phê hoặc rượu, hút thuốc lá, một số bệnh lý như cường chức năng tuyến giáp,…

Tuy nhiên, cơn bốc hỏa cũng có xuất hiện mà không có rõ ràng bất kỳ kích thích nào.

4. Các yếu tố nguy cơ rối loạn vận mạch tuổi mãn kinh

Không phải tất cả phụ nữ gặp phải triệu chứng rối loạn vận mạch thời kỳ tiền mãn kinh. Nhưng đa phần phụ nữ đều phải trải qua các triệu chứng này ở mức độ khác nhau.

Các yếu tố nguy cơ của rối loạn vận mạch tuổi mãn kinh là:

– Hút thuốc: những phụ nữ hút thuốc lá (thụ động hoặc chủ động) có tỷ lệ gặp triệu chứng bốc hỏa cao hơn, mức độ cũng trầm trọng hơn.

Hút thuốc là tăng mức độ trầm trọng cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh

– Béo phì: Phụ nữ thừa cân, béo phì có tỷ lệ gặp triệu chứng rối loạn vận mạch cao hơn và thời gian kéo dài hơn so với nhóm có cân nặng bình thường.

5. Biến chứng của rối loạn vận mạch

Cơn nóng bừng và đổ mồ hôi thường không có hại nhưng gây cảm giác khó chịu. Một số phụ nữ cảm thấy xấu hổ cơn bốc hỏa kèm theo da đỏ bừng vùng mặt, cổ.

Cơn bốc hỏa, kèm theo ra mồ hôi về ban đêm có thể làm cho tình trạng rối loạn giấc ngủ tuổi mãn kinh nặng nề hơn. Khi các triệu chứng rối loạn vận mạch kéo dài góp phần gây ra các rối loạn về sức khỏe tâm thần, trầm cảm,… ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động hàng ngày của phụ nữ tuổi ngũ tuần.

6. Điều trị rối loạn vận mạch tuổi mãn kinh

Thay đổi lối sống: Một số thay đổi về lối sống có thể kiểm soát các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh như: Tránh các tác nhân kích thích, chẳng hạn như thức ăn cay nóng, rượu và caffein. Bỏ thuốc lá. Tập thể dục thường xuyên. Duy trì cân nặng phù hợp. Mặc quần áo rộng rãi phù hợp với hoạt động và thời tiết.

Liệu pháp hormone: Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liệu pháp hormone ở phụ nữ tiền mãn kinh. Trong trường hợp này, phụ nữ sẽ bổ sung estrogen. Liệu pháp này nhằm mục đích cân bằng lượng hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu bổ sung estrogen tổng hợp thường kèm theo nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh nên thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung estrogen.


Phụ nữ đau ngực tiền mãn kinh có đáng ngại

Đau vú ở tuổi mãn kinh, có đáng ngại?

Căng đau vú là hiện tượng bình thường mà nhiều phụ nữ gặp phải trước kỳ kinh nguyệt. Một số phụ nữ cảm giác đau tức vú khi bước sang độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh. Vậy dấu hiệu đau vú thời kỳ mãn kinh có thể do những nguyên nhân nào?

1. Thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng đến vú như thế nào?

Một số ảnh hưởng trực tiếp lên vùng ngực của phụ nữ thời kỳ mãn kinh bao gồm:

Cảm giác đau tức ở vú

Sự dao động hormone sinh dục nữ (estrogen và progesterone) là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng vú căng đau và nhạy cảm trước khi đến kỳ kinh. Nồng độ hormone tăng và giảm theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

Mãn kinh được xác định sau 12 tháng kể từ chu kỳ kinh cuối cùng. Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Ngoài ra, còn được gọi là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh.  

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường, không đều và thưa dần. Nồng độ estrogen và progesterone cũng dao động bất thường. Đó là nguyên nhân gây đau vú không đoán trước ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Phụ nữ đau ngực tiền mãn kinh có đáng ngại

Phụ nữ đau ngực tiền mãn kinh có đáng ngại

Đặc điểm đau vú khi mãn kinh có thể khác với cảm giác căng tức vú trước kỳ kinh bình thường. Thay vì đau tức âm ỉ, phụ nữ mãn kinh có thể cảm thấy nóng rát, đau kiểu mạch đập ở vòng 1. 

Căng đau vú sẽ hết khi giai đoạn tiền mãn kinh kết thúc và người phụ nữ bước vào mãn kinh. Tuy nhiên, liệu pháp hormone thay thế trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ kéo dài triệu chứng đau vú.

Đau vú sau mãn kinh ít phổ biến hơn và không nên mặc định cho rằng đó là do thay đổi hormone.

Thay đổi về kích thước và hình dạng vú

Bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen sụt giảm đáng kể. Hệ thống tiết sữa bắt đầu ngừng hoạt động, các mô tuyến vú sẽ co lại. Đây là nguyên nhân khiến ngực chảy xệ. Kích thước vòng 1 có thể thay đổi.

Khối u vú

Xuất hiện khối u vú thời kỳ mãn kinh có thể do ảnh hưởng của một số yếu tố như quá trình lão hóa bình thường hoặc thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác khối u vú là gì.

Khối ở vú có thể là u nang tuyến vú. Nó là sự xuất hiện của một hay nhiều túi dạng nang bên trong chứa dịch. U nang tuyến vú tương đối lành tính và khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các nang tuyến vú có thể biến mất sau khi mãn kinh; nhưng chúng có thể tồn tại, đặc biệt nếu sử dụng liệu pháp hormone thay thế.

Thay đổi sợi bọc tuyến vú cũng là nguyên nhân phổ biến gây đau tức và xuất hiện nhiều u cục ở ngực. Đây cũng là các khối u lành tính, không làm tăng nguy cơ ung thư vú hay u nang tuyến vú.

2. Các biện pháp giúp giảm đau tức vú tại nhà

Đau vú và khó chịu có thể mất đi khi bước vào mãn kinh, thời điểm estrogen giảm xuống rất thấp. Tuy nhiên, phụ nữ có thể gặp cảm giác khó chịu đặc biệt ở thời kỳ tiền mãn kinh.

Một số biện pháp giúp cải thiện triệu chứng đau tức vú bao gồm:

– Có thể sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn ibuprofen.

– Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, uống nhiều nước.

– Tránh uống cà phê.

– Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo từ mỡ động vật.

Ngoài ra, có thể kết hợp với một số biện pháp khác như: sử dụng áo ngực có kích thước phù hợp, tập thể dục thường xuyên. Chườm ấm giúp giảm căng tức ngực. Không hút thuốc lá. Tắm nước ấm.

3. Khi nào nên đi khám bác sĩ

Đau vú có thể gây cảm giác khó chịu cho phụ nữ tiền mãn kinh, nhưng thường không là lý do gây nhiều lo lắng.

Một vài phụ nữ có thể lo lắng về nguy cơ ung thư vú, đặc biệt nếu các nang vú cũng phát triển cùng thời điểm này. Hầu hết các thay đổi ở vú thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh là bình thường.

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây kèm theo đau vú thì nên đi khám bác sĩ:

– Thay đổi có thể nhận thấy về kích thước và hình dạng vú, đặc biệt nếu xảy ra ở một bên.

– Thay đổi ở da vú và núm vú.

– Tiết dịch núm vú bất thường

– Khối sưng hay bướu ở vùng nách hoặc xung quanh xương đòn 

– Khối u hoặc khối cứng bất thường vùng vú

– Đau vú kéo dài

Phụ nữ từ 40 tuổi nên khám bác sĩ để tầm soát ung thư vú

Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên thăm khám bác sĩ để được tầm soát ung thư vú. 

Các trường hợp có nguy cơ ung thư vú trung bình nên thực hiện các khảo sát thường quy theo khuyến cáo như sau:

– Thực hiện 1 năm/lần với đối tượng từ 40-49 tuổi

– Thực hiện 2 năm/lần với đối tượng 50-74 tuổi

Những phụ nữ có nguy cơ ung thư cao hơn trung bình có thể cần tầm soát thường xuyên hơn. Nguy cơ cao hơn bao gồm:

– Tiền sử mắc ung thư vú hoặc có tổn thương nguy cơ cao ở vú

– Có yếu tố gen cụ thể là BRCA1 và BRCA2

– Có tiền căn chụp X-quang ngực nhiều khi còn nhỏ

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ còn đưa ra nhiều khuyến cáo khác. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý rằng mỗi phụ nữ có đặc điểm khác nhau. Vì vậy, bạn cần trao đổi thông tin trực tiếp với bác sĩ để lựa chọn chiến lược tầm soát phù hợp.

Để được tư vấn các vấn đề về sức khỏe phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online


Dễ nhầm lẫn triệu chứng suy giáp và mãn kinh

Phân biệt triệu chứng suy giáp và mãn kinh

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Bệnh suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp. Một số triệu chứng bệnh suy giáp giống với và có thể bị nhầm lẫn với dấu hiệu mãn kinh ở phụ nữ.

1. Nội tiết tố estrogen và tuyến giáp

Tuyến giáp có hình con bướm, nằm ở phía trước cổ họng. Đây là một tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất trong cơ thể. Các hormone do tuyến giáp tác động đến hầu hết các mô và cơ quan trong cơ thể.

Tuyến giáp

Các rối loạn bệnh lý tuyến giáp khá phổ biến ở phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi dậy thì và mãn kinh. 

Bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen sụt giảm đáng kể. Điều này gây ra nhiều triệu chứng phụ nữ gặp phải thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Thyroid Research, estrogen tác động trực tiếp đến tăng trưởng và chức năng tuyến giáp thông qua các thụ cảm thể. Có 2 loại thụ cảm thể estrogen trên tế bào tuyến giáp là thụ cảm thể estrogen alpha và beta. 

Thiếu hụt estrogen ở phụ nữ mãn kinh ảnh hưởng đến rối loạn chức năng tuyến giáp.

Ngược lại, suy giáp có thể làm tăng hoặc hoặc làm nặng thêm các triệu chứng mãn kinh. Suy giáp cũng làm tăng nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh lý tim mạch ở phụ nữ mãn kinh.

2. Phân biệt triệu chứng suy giáp và mãn kinh

Suy giáp và mãn kinh có nhiều triệu chứng chồng chéo có thể gây nhầm lẫn. Nếu mắc suy giáp thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng chồng chéo.

Dễ nhầm lẫn triệu chứng suy giáp và mãn kinh

Các triệu chứng mãn kinh thường xuất hiện ở phụ nữ độ tuổi 45-55, trung bình là 51 tuổi. Trong khi đó, suy giáp có thể gặp bất cứ tuổi nào.

Các triệu chứng dưới đây thường gặp ở thời kỳ mãn kinh và suy giáp:

Mãn kinh Suy giáp
   – Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm

   – Bất thường tiểu tiện như đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu  nhiều vào ban đêm

   – Khó ngủ, mất ngủ

   – Khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục

   – Thay đổi tâm trạng

   – Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều, thưa dần

   – Gặp vấn đề về tập trung, chú ý

   – Tăng nhạy cảm với lạnh

   – Da khô, nứt nẻ

   – Táo bón

   – Cảm giác mệt mỏi hoặc mệt mỏi kéo dài

   – Nhịp tim chậm

   – Giảm khả năng ghi nhớ

   – Trầm cảm, buồn bã

3. Phân biệt triệu chứng cường giáp và mãn kinh

Phụ nữ mãn kinh cũng có thể gặp các biểu hiện của tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp). Tuy nhiên, cường giáp ít phổ biến hơn suy giáp ở phụ nữ tuổi trung niên.

Khi mắc cường giáp, một số triệu chứng có thể nhầm lẫn với mãn kinh như: 

– Cảm giác sợ nóng, da nóng, toát mồ hôi.

– Cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn, lo lắng.

– Stress, căng thẳng, khó tập trung.

– Phì đại tuyến giáp: có dấu hiệu bướu cổ hoặc lồi mắt.

4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Cần thăm khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ gặp vấn đề về tuyến giáp hoặc các triệu chứng mãn kinh. Hãy chuẩn bị và trao đổi các thông tin với bác sĩ như:

– Thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt: bất thường về thời gian giữa các kỳ kinh, lượng máu mất trong những ngày hành kinh.

– Các triệu chứng, đặc biệt là cơn bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, cảm giác sợ nóng hoặc sợ lạnh.

– Mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng; các triệu chứng có trở nên trầm trọng hơn hay không

– Tiền sử gia đình: có người thân mắc rối loạn nội tiết, đặc biệt là rối loạn về tuyến giáp.

Sau khi hỏi về các triệu chứng và tiền sử gia đình, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm xác định xem một người phụ nữ đang trải qua các dấu hiệu mãn kinh hay mắc suy giáp.

Cả thời kỳ mãn kinh và suy giáp đều có thể được chẩn đoán bằng một số xét nghiệm máu đơn giản sau đây:

Hormone kích thích nang trứng (FSH)

FSH có vai trò kích thích sự phát triển của các nang trứng, tạo trứng trưởng thành để sẵn sàng cho quá trình rụng trứng. Khi phụ nữ có tuổi, cơ thể cần nhiều FSH hơn để thực hiện chức năng này. 

Nồng độ FSH tăng liên tục, thường trên 30 mIU/mL, thì có thể chẩn đoán là thời kỳ mãn kinh.

Xét nghiệm FSH chẩn đoán mãn kinh

Hormone tạo hoàng thể (LH)

Hormone LH đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh chức năng của buồng trứng ở nữ giới. Nồng độ LH cũng tăng liên tục sau khi mãn kinh.

Bình thường vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ LH tăng giúp kích thích rụng trứng.  Vì vậy, xét nghiệm chỉ có kết quả LH tăng cao sẽ không chẩn đoán được  chắc chắn đó có phải  thời kỳ mãn kinh hay không.

Hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

Xét nghiệm nồng độ TSH thường được bác sĩ chỉ định đầu tiên để đánh giá hoạt động của tuyến giáp như thế nào.

Khi tuyến giáp giảm hoạt động chức năng, cơ thể sẽ tăng sản xuất TSH kích thích tuyến giáp tăng hoạt động. Mức TSH cao có thể chỉ ra tình trạng suy giáp.

T3 và T4

Đây là hai hormone chính do tuyến giáp sản xuất. Nồng độ hai hormone này không thay đổi đáng kể trong trường hợp suy giáp, nhưng các bác sĩ tiến hành xét nghiệm này để loại trừ các bệnh lý  tuyến giáp khác.

Xét nghiệm tự kháng thể tuyến giáp (Thyroid antibody testing)

Tuyến giáp chứa các protein tế bào, và đôi khi cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các protein này. Nếu điều này xảy ra, có thể gây ra cả tình trạng cường giáp và suy giáp.

Trường hợp kháng thể này xuất hiện ở người có suy chức năng tuyến giáp, bác sĩ sẽ chẩn đoán người đó mắc viêm tuyến giáp Hashimoto.

Phụ nữ độ tuổi trung niên nên khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để kịp thời phát hiện các bất thường về chức năng tuyến giáp. Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lý tuyến giáp hoặc có các dấu hiệu mãn kinh cũng nên đi khám sức khỏe để được xác định nguyên nhân chính xác.


Estrogen

Estrogen: 5 lợi ích bổ trợ sức khoẻ quan trọng khác

Estrogen thường được biết đến là Hormone giới tính quan trọng hàng đầu cho sức khoẻ sinh sản và sinh lý nữ. Gần đây với sự tiến bộ của khoa học, sức khoẻ nữ giới được quan tâm nhiều hơn với những nghiên cứu về chức năng, ảnh hưởng của loại nội tiết đặc biệt này. Và không chỉ  giới y khoa, bản thân chị em phụ nữ cũng ngày càng để ý nhiều hơn tới vấn đề rối loạn nội tiết nữ, thường được mặc định hiểu là mất cân bằng estrogen, gây ra những khó chịu và đôi khi là bệnh tật cho phụ nữ. 

Ở góc độ thiếu tích cực, sự sụt giảm hay thiếu hụt estrogen còn được coi là “tội đồ” gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới cơ thể phụ nữ, đặc biệt là ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

 Tuy nhiên, estrogen không chỉ ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý riêng có của nữ giới như sinh sản, kinh nguyệt…estrogen nên được nhìn nhận đúng đắn hơn về lợi ích của nó tới toàn bộ cơ thể. Trên thực tế, estrogen có một số tác dụng phụ rất tích cực chưa được đề cập nhiều như: bảo vệ tim và não, cải thiện khối cơ, điều chỉnh tâm trạng và cải thiện đời sống tình dục.

Không chỉ giúp ích đối với hệ thống sinh sản nữ như đã được biết từ trước đến nay, những nghiên cứu mới chỉ ra Estrogen là hormone nội tiết hữu ích với hầu hết mọi hệ thống cơ quan trong cơ thể chúng ta.

5 lợi ích cho sức khoẻ của estrogen

1- Estrogen giúp bảo vệ tim mạch

Estrogen giúp bảo vệ trái tim chúng ta được khoẻ mạnh bằng cách giữ cho các mô tim khoẻ, đồng thời với việc hỗ trợ ổn định huyết áp. 

Khi nồng độ estrogen tăng cao, nó sẽ giúp cho lượng triglyceride (một loại chất béo trung tính trong máu) ở mức thấp, làm tăng HDL cholesterol (loại tốt) và giảm LDL cholesterol (loại xấu).

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh tim gia tăng ở những người bị cắt bỏ cả hai bên buồng trứng trước khi mãn kinh. Do vậy, mối liên hệ giữa estrogen và sự khoẻ mạnh của trái tim vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

2- Estrogen hỗ trợ bảo vệ trí não

Bằng việc giúp duy trì lưu lượng máu thích hợp cũng như tham gia vào phản ứng chống viêm và bệnh tật của cơ thể, estrogen đã góp phần giúp hỗ trợ bảo vệ trí não. Hơn thế nữa, hormone này còn hỗ trợ trong việc giúp cải thiện trí nhớ và các kỹ năng vận động được tốt hơn.

Nếu bạn đã trải qua tình trạng sương mù não (tình trạng khó tập trung hoặc mất khả năng suy nghĩ, mới được nhắc đến nhiều hơn thời gian hậu covid-19 vừa qua) thì có thể nguyên nhân là do mức độ estrogen của bạn ở mức thấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng chứng sương mù não tăng lên sau thời kỳ mãn kinh cũng chưa hoàn toàn rõ ràng có liên quan đến nồng độ estrogen hay không.

Một nghiên cứu cho thấy rằng những cá nhân có lượng estrogen ổn định càng lâu thì bộ não càng khoẻ mạnh và trí nhớ tốt hơn khi về già.

3- Khối lượng cơ và mật độ xương được cải thiện với sự bổ trợ của estrogen

Nội tiết tố Estrogen cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương và cải thiện khối lượng cơ. Nó giúp bảo vệ chống lại chứng loãng xương, một tình trạng mà xương trở nên yếu và dễ gãy do sự tiêu huỷ hay mất dần các mô xương.

Trong thời kỳ mãn kinh, khối lượng xương giảm do lượng estrogen giảm khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn.

4- Hormone giúp cải thiện và nâng cao tâm trạng

Trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ thường cảm nhận được sự thay đổi tâm trạng mà điều này đươc lý giải có thể là do sự thay đổi của nồng độ estrogen. 

Hormone này được biết là giúp duy trì đều đặn mức serotonin (một loại nội tiết tố được mệnh danh là “hormone tạo cảm giác dễ chịu”), giúp tăng hiệu quả của endorphin (loại hormone có chức năng giảm đau, tạo hưng phấn và khoái cảm). Nó thậm chí có thể hỗ trợ trong việc bảo vệ các dây thần kinh và khuyến khích sự phát triển của dây thần kinh.

Tuy nhiên, cho đến giờ các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem mức độ thấp hay mức độ cao của estrogen có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn hay không.

5- Chất “cải thiện” quan hệ

Là chất giữ lửa hạnh phúc, Estrogen rất quan trọng đối với đời sống quan hệ tình dục. Hormone giữ cho âm đạo của phụ nữ được bôi trơn. Khi mức độ estrogen thấp, thành âm đạo mỏng đi và tiết ra ít chất bôi trơn hơn.

Trong thời kỳ mãn kinh, độ đàn hồi của âm đạo sẽ giảm xuống do nồng độ estrogen giảm. Đây cũng là lý do vì sao phụ nữ khi bước vào độ tuổi mãn kinh sẽ lạnh nhạt và giảm ham muốn.


Đau bụng dưới ở phụ nữ mãn kinh

Đau bụng dưới sau mãn kinh không nên coi thường

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Hầu hết phụ nữ khi tới ngày hành kinh đều bị đau bụng. Nhưng đau bụng dưới vẫn có thể xảy ra sau mãn kinh. Đôi khi, đó là một dấu hiệu bệnh lý, chẳng hạn u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng,…

Đau bụng dưới sau mãn kinh

1. Mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu 12 tháng sau kỳ kinh cuối ở phụ nữ. Giai đoạn mãn kinh thường rơi vào độ tuổi từ 45-55, trung bình ở 51 tuổi.

Các triệu chứng mãn kinh có thể khác nhau ở mỗi người, bao gồm: bốc hỏa, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, rối loạn giấc ngủ,…

Tiền mãn kinh là giai đoạn kéo dài 2-5 năm trước khi kinh nguyệt dừng hẳn. Trong giai đoạn này, kinh nguyệt không đều và thưa dần. Thời kỳ tiền mãn kinh, cơn đau bụng dưới trước kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu hoàn toàn bình thường.

2. Nguyên nhân nào gây đau bụng dưới sau mãn kinh?

U xơ tử cung

U xơ tử cung là khối u lành tính ở cơ trơn thành tử cung. U xơ tử cung có thể dao động về kích thước và số lượng.

Theo nghiên cứu, phần lớn u xơ tử cung gặp ở phụ nữ 30-45 tuổi; nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.

Các khối u xơ thường ngừng phát triển hoặc nhỏ lại khi bước sang thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn có thể gặp các triệu chứng của u xơ tử cung, chẳng hạn đau bụng dưới sau mãn kinh

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở các vị trí bên ngoài tử cung, chẳng hạn như ở buồng trứng, ống dẫn trứng, trực tràng,…

Lạc nội mạc tử cung phổ biến nhất ở phụ nữ từ 30 đến 40 tuổi. Hiếm khi nhưng vẫn có thể gặp ở phụ nữ sau mãn kinh.

Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí niêm mạc bị lạc chỗ và có thể bao gồm đau bụng kinh, rối loạn tiểu tiện, quan hệ đau, đau trong khi đại tiện.

Táo bón mạn tính

Táo bón mãn tính cũng là một nguyên nhân phổ biến của đau bụng dưới và rối loạn tiêu hóa.

Thông thường định nghĩa, táo bón mạn tính là tình trạng đi đại tiện không thường xuyên dưới 3 lần/tuần. Phân có thể cứng, khô hoặc vón cục và gây đau đớn, khó đi ngoài.

Một số nguyên nhân gây táo bón: chế độ ăn uống thiếu chất xơ, tác dụng của một số loại thuốc, lười vận động hoặc một số tình trạng bệnh lý.

Viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là một loại nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bệnh có thể gây ra đau bụng vùng chậu cùng với buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Tác nhân gây viêm dạ dày ruột có thể do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng.

Tùy theo nguyên nhân, các triệu chứng có thể xảy ra 1-3 ngày sau bị nhiễm và kéo dài 1-2 ngày hoặc có thể đến 10 ngày.

Ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung

Ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung có thể đau bụng và đau vùng chậu. Nguy cơ mắc các loại ung thư này tăng lên ở phụ nữ lớn tuổi và tiền sử gia đình có người mắc ung thư buồng trứng, ung thư tử cung.

Các triệu chứng khác của ung thư này có thể bao gồm: ra máu âm đạo bất thường, đầy bụng, sụt cân bất thường.

3. Khi nào cần đi khám?

Nếu đau bụng hoặc đau vùng chậu kèm theo các triệu chứng khác, đặc biệt là chảy máu âm đạo sau mãn kinh thì nên đi khám càng sớm càng tốt. 

Trường hợp phụ nữ lo lắng nhiều về đau bụng dưới sau mãn kinh cũng nên đi khám để xác định nguyên nhân.

4. Chẩn đoán

Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi về dấu hiệu đau bụng và các triệu chứng khác, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. 

Để xác định nguyên nhân đau bụng dưới ở phụ nữ sau mãn kinh, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm chẩn đoán như:

Siêu âm qua đường âm đạo là phương pháp siêu âm sử dụng một đầu dò thuôn, dài đưa nhẹ nhàng vào âm đọa.

Nội soi buồng tử cung là một kỹ thuật cho phép quan sát buồng tử cung của người phụ nữ.

Sinh thiết nội mạc tử cung là một xét nghiệm, trong đó bác sĩ lấy một mẩu nhỏ niêm mạc tử cung rồi quan sát dưới kính hiển vi để đánh giá bất thường của niêm mạc tử cung (nếu có).

5. Điều trị

Phương pháp điều trị đau bụng dưới sau mãn kinh tùy thuộc vào nguyên nhân. Trong trường hợp ung thư nội mạc tử cung, tùy theo giai đoạn, bệnh nhân có thể được phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung; sau đó kết hợp hóa trị hoặc xạ trị.

Quý khách có thể nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để được tư vấn trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh.


Mãn kinh sớm là gì

Mãn kinh sớm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Do phẫu thuật hoặc bệnh lý, một số phụ nữ đã đến thời kỳ mãn kinh trước 40 tuổi. Mãn kinh sớm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần của người phụ nữ.

Nguyên nhân mãn kinh sớm là gì

Dấu hiệu mãn kinh sớm là gì?

Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi 45 đến 55, trung bình là 51 tuổi. Trường hợp phụ nữ mãn kinh trước độ tuổi này là mãn kinh sớm.

Phụ nữ mãn kinh sớm có thể gặp các triệu chứng khác nhau.

Biểu hiện đầu tiên của mãn kinh sớm thường là bất thường chu kinh nguyệt. Chu kỳ dài hơn hoặc ngắn hơn đáng kể so với bình thường.

Các triệu chứng mãn kinh sớm còn có:

– Ra máu bất thường giữa kỳ kinh

– Mỗi lần có kinh kéo dài quá một tuần

– Thời gian giữa các chu kỳ kinh kéo dài

– Ra máu kinh nhiều hơn bình thường

Ngoài ra, các triệu chứng khác gồm:

– Khô âm đạo

– Cơn nóng bừng (Bốc hỏa)

– Thay đổi cảm xúc thất thường

– Giảm ham muốn tình dục

– Khó ngủ hoặc mất ngủ

– Mất khả năng kiểm soát bàng quang hay tiểu không tự chủ (tiểu són)

– Đổ mồ hôi ban đêm

Cần lưu ý, các triệu chứng này có thể không phải mãn kinh sớm. Nên đi khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân khi gặp các dấu hiệu trên.

Nguyên nhân nào gây mãn kinh sớm?

Trong một số trường hợp, mãn kinh sớm biểu hiện sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật. Chẳng hạn, phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng gây mãn kinh ngay lập tức. Một số nguyên nhân khác nhau cần cắt bỏ buồng trứng như: ung thư buồng trứng hoặc phẫu thuật điều trị ung thư tử cung.

Điều trị ung thư: Hóa trị hoặc xạ trị cũng có thể gây suy chức năng buồng trứng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Do đó, dẫn tới mãn kinh sớm.

Nguy cơ mãn kinh sớm khi hóa trị, xạ trị phụ thuộc:

– Tuổi tác: Phụ nữ trẻ tuổi có khả năng phục hồi tốt hơn. Một số bệnh nhân trẻ bị ngừng có kinh nguyệt trong khi hóa trị. Nhưng sau khi kết thúc hóa trị một thời gian, kinh nguyệt có thể bắt đầu trở lại.

– Loại thuốc dùng trong hóa trị: Các loại thuốc khác nhau ảnh hưởng tới buồng trứng mức độ khác nhau.

– Vị trí xạ trị trên cơ thể: xạ trị quanh vùng não hoặc khung chậu làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm. Nguyên nhân do làm tổn thương buồng trứng nhiều hơn hoặc tổn thương trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng.

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây mãn kinh sớm bao gồm: di truyền, thói quen hút thuốc, ít vận động, béo phì, khiếm khuyết nhiễm sắc thể, bệnh động kinh, bệnh tự miễn.

Chẩn đoán mãn kinh sớm như thế nào?

Khoảng thời gian trước mãn kinh (tiền mãn kinh), chu kỳ kinh nguyệt không đều và thưa dần. Kèm theo các triệu chứng như cơn nóng bừng, đổ mồ hôi ban đêm,…

Mãn kinh được xác định sau 12 tháng liên tiếp không có chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng không do bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Không cần thiết phải đi khám để chẩn đoán mãn kinh. Hầu hết phụ nữ trung niên có thể tự đoán thời kỳ mãn kinh của mình qua các triệu chứng gặp phải.

Nếu không chắc chắn các triệu chứng do mãn kinh hoặc lo lắng có bệnh lý hay vấn đề sức khỏe khác, nên tới cơ sở y tế khám để xác định chắc chắn nguyên nhân.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nồng độ hormone để xác định các dấu hiệu do mãn kinh hay vấn đề sức khỏe nào khác.  

Điều trị triệu chứng mãn kinh sớm bằng cách nào?

Mãn kinh sớm thường không cần điều trị. Nhưng vẫn có các liệu pháp cải thiện các triệu chứng mãn kinh. Từ đó, giúp phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, phụ nữ mãn kinh trước 40 tuổi cần điều trị bổ sung các hormone cần thiết cho cơ thể cho đến tuổi mãn kinh tự nhiên.

Phương pháp điều trị phổ biến là liệu pháp hormone thay thế. Hormone estrogen được bổ sung cho cơ thể ở nhiều dạng khác nhau như viên uống, miếng dán da,…

Nhưng liệu pháp hormone thay thế thường đi kèm với tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư vú, đột quỵ não. Do đó, cần đi khám và nhận tư vấn từ bác sĩ về biện pháp điều trị, cân nhắc nguy cơ và lợi ích trước khi sử dụng liệu pháp trên.

Vấn đề sức khỏe có liên quan khác 

Tình trạng phổ biến nhất liên quan đến mãn kinh sớm là hết khả năng sinh sản. Bước vào thời kỳ mãn kinh có nghĩa khó có thể thụ thai và sinh con tự nhiên.

Khi mãn kinh, lượng estrogen sụt giảm làm tăng nguy cơ một số bệnh lý và vấn đề sức khỏe như: loãng xương, bệnh lý tim mạch, sa sút trí tuệ, rối loạn sức khỏe tâm thần,…

Liệu có thể đảo ngược quá trình này không?

Cho đến nay, chưa có biện pháp nào được khoa học chứng minh hiệu quả đảo ngược mãn kinh sớm. Song một số phương pháp điều trị giúp cải thiện các triệu chứng mãn kinh.

Năm 2016, nhóm các khoa học tại Hy Lạp công bố một nghiên cứu hứa hẹn giúp phụ nữ thời kỳ mãn kinh có thể thụ thai và sinh con tự nhiên.

Vẫn cần thêm các nghiên cứu đánh giá hiệu quả và an toàn của phương pháp điều trị trên, đem lại hy vọng đảo ngược quá trình này.

Quý khách có thể nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để được tư vấn trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh.


Hội chứng ruột kích thích sau mãn kinh

Hội chứng ruột kích thích tồi tệ hơn khi mãn kinh?

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Hội chứng ruột kích thích và mãn kinh đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone sinh dục giảm mạnh và có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.

Hội chứng ruột kích thích tồi tệ hơn khi mãn kinh

Mãn kinh có gây ra hội chứng ruột kích thích không?

Mãn kinh không gây ra hội chứng ruột kích thích. 

Ruột hoạt động tương tự một “bộ não thứ hai” trong cơ thể. Hàng triệu tế bào thần kinh phân bố rộng khắp hệ tiêu hóa, được gọi là hệ thần kinh ruột. Chúng có vai trò kiểm soát nhu động ruột, quá trình trao đổi chất qua niêm mạc và sản xuất các nội tiết tố ở ruột.

Hệ thần kinh ruột không chỉ hoạt động độc lập, mà còn liên hệ chặt chẽ với thần kinh trung ương. Mối liên hệ này mang tính chất hai chiều và được gọi là trục não ruột.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của trục não ruột. Hội chứng này khác với các triệu chứng tiêu hóa chung và tạm thời có thể xảy ra do thay đổi nồng độ hormone sinh dục.

Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích có thể bắt đầu biểu hiện vào thời kỳ mãn kinh. Và mãn kinh cũng có thể khiến các triệu chứng ruột kích thích tồi tệ hơn.

Một số ít người bị hội chứng ruột kích thích sau khi bị nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa. Đây được gọi là hội chứng ruột kích thích sau nhiễm khuẩn.

Nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến đường ruột như thế nào?

Thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone sụt giảm. 

Estrogen và progesterone góp phần điều hòa cơ ống tiêu hóa hoạt động trơn tru và ổn định để di chuyển thức ăn qua dạ dày và ruột. Táo bón hoặc tiêu chảy có thể xảy ra khi thiếu hụt estrogen và progesterone.

Estrogen và progesterone cũng tham gia kiểm soát hoạt động tiết acid dạ dày và dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Khi nồng độ hormone giảm, cơ thể không sản xuất đủ lượng acid dạ dày và dịch mật cần thiết. Dẫn tới tiêu chảy, táo bón và các triệu chứng khác, chẳng hạn như trào ngược dạ dày, đầy hơi.

Điều trị hội chứng ruột kích thích như thế nào?

Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích kết hợp giữa thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng thuốc.

Điều chỉnh chế độ ăn: Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ giúp giúp cải thiện tình trạng táo bón. Tránh các thức ăn và đồ uống kích thích, chẳng hạn như cà phê. Hạn chế các thực phẩm sinh hơi như đậu, sữa.

Thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu. Tập thói quen đi đại tiện vào khung giờ cố định trong ngày.

Hãy tuân thủ thuốc điều trị mà bác sĩ kê đơn (nếu có): Thuốc nhuận tràng hoặc chống tiêu chảy, thuốc kháng cholinergic, thuốc giảm đau,…


10 điều phụ nữ nên biết về mãn kinh

10 sự thật về mãn kinh mọi phụ nữ nên biết

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Thời kỳ mãn kinh đánh dấu sự kết thúc độ tuổi sinh sản ở người phụ nữ. Đó là một quá trình tự nhiên liên quan đến những thay đổi về nội tiết tố và sinh lý. Hiểu rõ những thay đổi sẽ xảy ra có thể giúp phụ nữ bước sang tuổi mãn kinh dễ dàng hơn.

Mãn kinh: 10 sự thật mọi phụ nữ nên biết

1. Mãn kinh không xảy ra đột ngột

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu 12 tháng sau kỳ kinh cuối cùng. Mãn kinh thường ở độ tuổi 40-58 và trung bình 51 tuổi.

Nếu phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, thời kỳ mãn kinh sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức.

Một số phương pháp điều trị, chẳng hạn như hóa trị, có thể kích hoạt thời kỳ mãn kinh. Tình trạng này có thể tạm thời và kinh nguyệt sẽ trở lại một thời gian sau khi điều trị kết thúc.

Một số bệnh lý cũng có thể khiến thời kỳ mãn kinh bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn.

2. Tiền mãn kinh có thể bắt đầu ở độ tuổi 40

Tiền mãn kinh là giai đoạn trước khi mãn kinh. Giai đoạn này có thể kéo dài trong 4-8 năm. Bước sang độ tuổi 40, nồng độ nội tiết tố estrogen và progesterone giảm dần và thời kỳ tiền mãn kinh bắt đầu. 

Chu kỳ kinh nguyệt thưa dần, xuất hiện không đều cho đến khi dừng hoàn toàn. Các triệu chứng mãn kinh bắt đầu xuất hiện.

Với phụ nữ ở độ tuổi 40, chậm kinh có thể là dấu hiệu mang thai hoặc mãn kinh.

3. Khó tránh khỏi các triệu chứng

Mãn kinh không phải là tình trạng bệnh lý, nhưng những thay đổi nội tiết tố có thể gây ra các triệu chứng. Mức độ có thể từ nhẹ tới nặng. Các triệu chứng có thể gặp như:

Nóng bừng: Cảm giác nóng đột ngột ở phần trên cơ thể ảnh hưởng đến 75% phụ nữ. Các cơn bốc hỏa thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm, cũng có thể kéo dài đến 10 năm hoặc lâu hơn. 

Đổ mồ hôi ban đêm: Những cơn bốc hỏa vào ban đêm gây ra tình trạng đổ mồ hôi đêm.

Khó ngủ: Đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng và lo lắng có thể khiến bạn khó ngủ.

Khô âm đạo: Kết quả có thể gây đau khi quan hệ tình dục.

Giảm ham muốn tình dục: Ham muốn tình dục có thể giảm khi lượng hormone sụt giảm. Khô âm đạo cũng có thể khiến việc quan hệ tình dục không thoải mái.

Thay đổi tâm trạng: Nồng độ hormone dao động và các yếu tố môi trường có thể góp phần gây ra căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

Loãng xương: Thay đổi nội tiết tố có thể góp phần gây loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương. 

4. Tình dục tuổi mãn kinh

Một số phụ nữ lo sợ rằng mãn kinh có nghĩa là họ sẽ kém hấp dẫn hơn hoặc không thể tận hưởng một cuộc sống tình dục trọn vẹn. Tuy nhiên, thời kỳ có thể mang một ý nghĩa mới về chuyện chăn gối, vì lo lắng về kinh nguyệt và mang thai giảm bớt.

Phụ nữ hoặc bạn đời có thể có những băn khoăn về chuyện tình dục. Giao tiếp cởi mở có thể giúp cả hai người vượt qua rào cản thời kỳ này. 

5. Cơ thể vẫn sản xuất hormone

Cơ thể không ngừng sản xuất estrogen sau mãn kinh. Estrogen đóng một vai trò trong các chức năng quan trọng khác. Và cơ thể vẫn cần một số estrogen, mặc dù với lượng nhỏ hơn.

Tuy nhiên, buồng trứng không còn tiết estrogen. Thay vào đó, các tuyến thượng thận sản xuất các hormone gọi là nội tiết tố androgen và aromatase, một loại hormone khác, chuyển đổi chúng thành estrogen.

6. Tăng cân ở tuổi mãn kinh

Nhiều phụ nữ tăng cân khi bước sang tuổi kỳ mãn kinh. Nhưng vẫn có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả bằng dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể lực phù hợp.

Lý do tăng cân có thể bao gồm: 

– Tăng cảm giác đói do thay đổi các hormone kiểm soát cơn đói. 

– Thay đổi sự trao đổi chất do các yếu tố nội tiết tố

– Chế độ ăn uống kém lành mạnh

– Ít hoạt động thể lực.

Tránh thừa cân giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ trung niên.

7. Stress thời kỳ mãn kinh

Nhiều phụ nữ khó tập trung và giảm khả năng ghi khi bước sang tuổi mãn kinh. Căng thẳng (stress) là một yếu tố ảnh hưởng đáng quan tâm.

Lý do gây căng thẳng có thể bao gồm: Các thay đổi về sinh lý trong cơ thể; áp lực cuộc sống gia đình và công việc; lo lắng về các vấn đề về tuổi tác.

Một số biện pháp giúp giảm tình trạng căng thẳng: tập thể dục thường xuyên, tham gia một lớp học yoga. Ghi chú công việc cần làm. Nếu có thể, tìm cách cân bằng giữa trách nhiệm và lợi ích cá nhân. Thường xuyên giao lưu với bạn bè và gia đình…

8. Vẫn có thể mang thai

Mãn kinh đánh dấu sự kết thúc những năm sinh sản của phụ nữ, nhưng cần lưu ý phụ nữ vẫn có thể mang thai trong khoảng thời gian này hoặc sau đó.

Các chu kỳ kinh nguyệt không đều và thưa dần và phụ nữ vẫn có thể mang thai. 

Những tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản đồng nghĩa có thể mang thai sau khi mãn kinh. Điều này có thể thực hiện với trứng hoặc phôi đã được lấy và bảo quản trước đó.

Tuy nhiên, nguy cơ sẩy thai, sinh non và các rủi ro cao hơn, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người tại thời điểm thụ thai.

9. Các biện pháp điều trị hiện nay

Điều trị hormone: Có thể giải quyết nhiều vấn đề bằng cách cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể không phù hợp với những người có nguy cơ đông máu, đột quỵ, ung thư vú, sa sút trí tuệ và bệnh lý túi mật. 

Thuốc chống trầm cảm: Liều thấp paroxetine có thể giúp điều trị chứng bốc hỏa.

Cải thiện chất lượng quan hệ tình dục: Sử dụng chất bôi trơn hoặc thuốc nội tiết dưới dạng vòng, kem hoặc viên nén để bôi trực tiếp giúp giảm khôi âm đạo.

Ngăn ngừa loãng xương: Thăm khám sức khỏe thường xuyên để đánh giá mật độ xương. Nếu kết quả cho thấy mật độ xương ngày càng giảm, có thểbổ sung vitamin D kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục để giảm nguy cơ loãng xương.

Ngoài ra, tập thể dục đều, hạn chế uống rượu, cà phê và duy trì thói quen ngủ lành mạnh cũng góp phần nâng cao sức khỏe.

10. Mãn kinh: Một khởi đầu mới

Mãn kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ, nhưng không phải là một căn bệnh. Và cũng không có nghĩa là cơ thể suy yếu hay già đi.

Các triệu chứng mãn kinh có thể xuất hiện ở độ tuổi trung bình là 50. Tuổi thọ của phụ nữ ngày một tăng và mối quan tâm với lão hóa ngày càng tăng.

Để được tư vấn các vấn đề về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh bởi Đội ngũ Bác sĩ, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online.


soy isoflavone giữ gìn thanh xuân

Soy Isoflavone – bí quyết duy trì sắc xuân cho phụ nữ

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Soy Isoflavone – tinh chất mầm đậu nành được nhiều chị em tin dùng như bí quyết bảo vệ sức khỏe và lưu giữ vẻ thanh xuân. Qua các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều lợi ích đối với sức khỏe nói chung và vấn đề nội tiết của phụ nữ nói riêng.

Soy Isoflavone bí quyết duy trì tuổi xuân của phụ nữ

1. Soy isoflavone là gì?

Soy isoflavone là một nhóm hoạt chất được được tìm thấy chủ yếu trong cây họ đậu. Ngoài ra, chất này còn được tìm thấy trong một số loại thảo mộc, chẳng hạn cỏ ba lá đỏ.

Hoat chất này là một phytoestrogen hay estrogen nguồn gốc thực vật có hoạt tính tương tự estrogen nội sinh trong cơ thể.

2. Cải thiện triệu chứng mãn kinh

Soy isoflavone là một phytoestrogen – estrogen nguồn gốc thảo mộc. Cấu trúc tương tự estrogen cho phép liên kết với các thụ thể estrogen.

Sụt giảm nội tiết tố estrogen nội sinh là nguyên nhân chính gây nên các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ, chẳng hạn như bốc hỏa, mất ngủ, da dẻ xấu đi,…

Phân tích kết quả 19 nghiên cứu cho thấy bổ sung soy isoflavone giảm mức độ nghiêm trọng của cơn bốc hỏa đáng kể so với sử dụng giả dược (chất không có tác dụng điều trị).

Phụ nữ châu Á, nơi đậu nành (giàu chất isoflavone) thường xuyên xuất hiện trong chế độ ăn uống, có tỷ lệ bị triệu chứng bốc hỏa thấp hơn nhiều so với phụ nữ tại Mỹ. 

3. Soy isoflavone và bệnh lý tim mạch

Soy isoflavone đã được nghiên cứu chứng minh giúp làm giảm LDL cholesterol (cholesterol “xấu”) trong máu. Tuy nhiên, dường như ít có hiệu quả làm tăng HDL cholesterol (cholesterol “tốt”).

LDL cholesterol được xem là cholesterol “xấu” vì chúng tích tụ trong thành động mạnh. Điều này khiến thành mạch bị xơ cứng kèm theo hẹp lòng mạch (xơ vữa động mạch).

Tổng hợp kết quả của 11 nghiên cứu cho thấy soy isoflavone làm giảm đáng kể tổng cholesterol và LDL cholesterol trong máu. Hiệu quả giảm LDL cholesterol ở những người tăng cholesterol máu rõ rệt hơn so với những người không tăng cholesterol máu.

Đồng thời giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu. Giảm cholesterol “xấu” giúp làm giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

4. Soy isoflavone và loãng xương

Loãng xương là rối loạn liên quan đến tuổi tác ảnh hưởng cả phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, thiếu hụt estrogen thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh càng làm tăng tốc độ loãng xương ở phụ nữ lớn tuổi.

Liệu pháp hormone thay thế được sử dụng ở phụ nữ mãn kinh giúp tăng tỷ lệ khoáng chất trong xương. Tuy nhiên, liệu pháp này gây ra nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung và các biến cố tim mạch.

Soy isoflavone với nguồn gốc tự nhiên có hoạt tính tương tự estrogen trong phòng chống loãng xương. Bổ sung tinh chất mầm đậu nành là biện pháp an toàn, hiệu quả để làm tăng tỷ lệ chất khoáng trong xương ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh.

Soy isoflavone và chức năng thần kinh trung ương

Nhiều nghiên cứu cho thấy soy isoflavone có lợi cho một số chức năng của não bộ. Hiệu quả này có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và giới tính.

Một nghiên cứu trên phụ nữ sau mãn kinh, so sánh nhóm bổ sung 91mg soy isoflavone hàng ngày với nhóm dùng giả dược. Kết quả, bổ sung soy isoflavone đã cải thiện trí nhớ thị giác và chức năng nhận thức. 

Hiệu quả cải thiện chức năng thần kinh trung ương tốt hơn ở phụ nữ sau mãn kinh 5-10 năm so với nhóm đã mãn kinh hơn 10 năm. Kết quả này gợi ý phụ nữ mãn kinh nên bổ sung soy isoflavone sớm cho sẽ mang lại lợi ích tốt hơn.

Như vậy, soy isoflavone mang lại nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng cho phụ nữ thiếu hụt estrogen. Hiện nay, công nghệ bào chế hiện đại cho phép chiết xuất dạng viên nang. Đây là cách bổ sung tinh chất mầm đậu nành hiệu quả và phù hợp với lối sống hiện đại.

Để được hỗ trợ về các triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh và cách bổ sung soy isoflavone hiệu quả, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online.


Black Cohosh cho phụ nữ thiếu hụt estrogen

Black Cohosh: cải thiện triệu chứng mãn kinh và 6+ lợi ích sức khỏe khác

Black Cohosh là một loại thảo dược nổi tiếng và đã có các nghiên cứu khoa học rõ ràng cho thấy tác dụng cải thiện các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo, đổ mồ hôi đêm. Ngoài ra, thảo dược này còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác. 

Black Cohosh Thảo dược cho phụ nữ thiếu hụt estrogen

Black Cohosh là cây gì?

Black cohosh là loại thảo mộc có hoa nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Có tên khoa học là Actaea racemosa. Ngoài ra, cây còn có tên gọi khác như định phong thảo, xích tiễn, thần thảo,…

Thảo dược Black cohosh có chứa hợp chất phytoestrogen (estrogen nguồn gốc thực vật) – có tác dụng tương tự estrogen được sản xuất trong cơ thể.

Loại cây này có lịch sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền. Người dân bản địa Bắc Mỹ dùng hoa và rễ của nó để điều trị đau cơ xương, vấn đề phụ khoa ở nữ giới. 

Gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu đánh giá các công dụng khác nhau của cây Black cohosh đối với việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ.

Lợi ích sức khỏe của Black Cohosh không chỉ với mãn kinh, tiền mãn kinh

Không chỉ sử dụng với các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ trung niên nói riêng, lợi ích của Black cohosh đã được nghiên cứu tính hiệu quả tôt với nhiều loại bệnh khác thường gặp ở nữ giới do vấn đề rối loạn nội tiết. 

1. Giảm triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh

Tác dụng làm giảm các triệu chứng khó chịu thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ là lý do hàng đầu trong sử dụng Black cohosh. Đây cũng là lợi ích của Black cohosh đã được nghiên cứu nhiều nhất và có rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh tính hiệu quả tốt đối với vấn đề này.

Một nghiên cứu trên 80 phụ nữ mãn kinh có triệu chứng bốc hỏa. Những phụ nữ này đã bổ sung 20mg Black cohosh hàng ngày trong vòng 8 tuần. Kết quả, triệu chứng bốc hỏa được cải thiện đáng kể so với trước khi dùng thảo mộc này.

Nhiều nghiên cứu khác cũng thu được kết quả tương tự về hiệu quả của Black cohosh ở phụ nữ sụt giảm nồng độ nội tiết tố estrogen liên quan đến tuổi tác. 

2. Cải thiện giấc ngủ

Một nghiên cứu đã tiến hành với 42 phụ nữ mãn kinh cho thấy bổ sung Black cohosh giúp cải thiện cả về thời gian và chất lượng giấc ngủ. 

Theo một nghiên cứu khác, Black cohosh kết hợp với một số dược chất khác (trinh nữ Châu Âu, kẽm và axit hyaluronic) giúp cải thiện cơn bốc hỏa có liên quan đến chứng mất ngủ và lo lắng.

3. Cải thiện sức khỏe tinh thần

Black cohosh có thể có một số tác dụng hữu ích đối với sức khỏe tinh thần, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh.

Một nhóm nghiên cứu đã phân tích gộp 21 thử nghiệm đánh giá hiệu quả sử dụng thảo mộc Black cohosh đối với chứng lo âu và trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh. Các nhà nghiên cứu chỉ ra bổ sung Black cohosh ít có hiệu quả với triệu chứng lo lắng, nhưng có tác dụng cải thiện đáng kể các triệu chứng rối loạn tâm lý khác.

Mặc dù vậy, vẫn cần thêm các nghiên cứu giúp tìm hiểu đầy đủ về tác dụng của Black cohosh đối với sức khỏe tâm thần.

4. Giảm cân

Bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ mãn kinh có nhiều nguy cơ tăng cân ngoài ý muốn, do giảm sút nồng độ estrogen tự nhiên.

Về mặt lý thuyết, Black cohosh tác dụng tương tự nội tiết tố estrogen, nên có thể hỗ trợ giảm cân cũng như kiểm soát cân nặng ở phụ nữ mãn kinh. Nhưng hiện còn khá ít bằng chứng khoa học về tác dụng của thảo dược này đối với việc giảm cân.

5. Hỗ trợ điều trị ung thư

Chiết xuất của Black cohosh có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư da. 

Nghiên cứu trên động vật và cả trên người đều thu được kết quả, chiết xuất thảo dược này tăng cường hiệu quả điều trị hóa chất đối với ung thư vú. 

Chiết xuất bằng dung môi isopropanolol của Black cohosh có công dụng ức chế tế bào ung thư vú xâm lấn (lan ra) mô xung quanh.

6. Hỗ trợ điều trị một số vấn đề sức khỏe ở phụ nữ

Ngoài các tác dụng nêu trên, Black cohosh cũng được sử dụng điều trị một số vấn đề sức khỏe khác ở phụ nữ. Dưới đây là một số lý do khác mà phụ nữ có thể sử dụng thảo mộc Black cohosh để điều chỉnh mất cân bằng nội tiết tố:

– Hội chứng buồng trứng đa nang (POCS): Bổ sung Black cohosh có thể làm tăng cơ hội mang thai của phụ nữ mắc buồng trứng đa nang được điều trị Clomid (một loại thuốc hỗ trợ sinh sản). Bên cạnh đó, Black cohosh còn có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ đa nang buồng trứng.

– U xơ tử cung: Nghiên cứu trên 244 phụ nữ sau mãn kinh báo cáo sử dụng 40mg Black cohosh hàng ngày trong 3 tháng có thể làm giảm tới 30% kích thước khối u xơ tử cung.

– Hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn khó thở tiền kinh nguyệt: Một số tác giả cho biết thảo mộc Black cohosh có tác dụng cải thiện các triệu chứng khó chịu trước kinh nguyệt và rối loạn khó thở tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học về tác dụng này còn hạn chế.

7. Hỗ trợ cải thiện kích thước vòng 1 và giúp ngực săn chắc hơn

Theo các nghiên cứu, Black cohosh cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng cải thiện vẻ đẹp làn da.

Đặc biệt, hoạt chất phytoestrogen trong Black cohosh hoạt động tương tự nội tiết tố estrogen trong cơ thể. Hỗ trợ tăng kích thước vòng 1 và giúp ngực săn chắc hơn. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng thảo được này.

Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng Black cohosh

Black cohosh có thể có một số tác dụng phụ nhưng thường nhẹ. Chẳng hạn như, gây khó chịu ở dạ dày tiêu hóa, buồn nôn, phát ban trên da, đau cơ, ra máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên, Black cohosh cũng có liên quan đến một số trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng. Vì vậy, không nên dùng bổ sung cây thuốc này với những người có bệnh gan trước đó.

Để được tư vấn cách sử dụng thảo dược Black cohosh an toàn, hiệu quả cho phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online để đặt câu hỏi và được trả lời trực tiếp từ Đội ngũ Bác sĩ.