Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online
Bệnh suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp. Một số triệu chứng bệnh suy giáp giống với và có thể bị nhầm lẫn với dấu hiệu mãn kinh ở phụ nữ.
Mục lục
Toggle1. Nội tiết tố estrogen và tuyến giáp
Tuyến giáp có hình con bướm, nằm ở phía trước cổ họng. Đây là một tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất trong cơ thể. Các hormone do tuyến giáp tác động đến hầu hết các mô và cơ quan trong cơ thể.
Các rối loạn bệnh lý tuyến giáp khá phổ biến ở phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi dậy thì và mãn kinh.
Bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen sụt giảm đáng kể. Điều này gây ra nhiều triệu chứng phụ nữ gặp phải thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Thyroid Research, estrogen tác động trực tiếp đến tăng trưởng và chức năng tuyến giáp thông qua các thụ cảm thể. Có 2 loại thụ cảm thể estrogen trên tế bào tuyến giáp là thụ cảm thể estrogen alpha và beta.
Thiếu hụt estrogen ở phụ nữ mãn kinh ảnh hưởng đến rối loạn chức năng tuyến giáp.
Ngược lại, suy giáp có thể làm tăng hoặc hoặc làm nặng thêm các triệu chứng mãn kinh. Suy giáp cũng làm tăng nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh lý tim mạch ở phụ nữ mãn kinh.
2. Phân biệt triệu chứng suy giáp và mãn kinh
Suy giáp và mãn kinh có nhiều triệu chứng chồng chéo có thể gây nhầm lẫn. Nếu mắc suy giáp thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng chồng chéo.
Các triệu chứng mãn kinh thường xuất hiện ở phụ nữ độ tuổi 45-55, trung bình là 51 tuổi. Trong khi đó, suy giáp có thể gặp bất cứ tuổi nào.
Các triệu chứng dưới đây thường gặp ở thời kỳ mãn kinh và suy giáp:
Mãn kinh | Suy giáp |
– Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm
– Bất thường tiểu tiện như đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu nhiều vào ban đêm – Khó ngủ, mất ngủ – Khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục – Thay đổi tâm trạng – Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều, thưa dần – Gặp vấn đề về tập trung, chú ý |
– Tăng nhạy cảm với lạnh
– Da khô, nứt nẻ – Táo bón – Cảm giác mệt mỏi hoặc mệt mỏi kéo dài – Nhịp tim chậm – Giảm khả năng ghi nhớ – Trầm cảm, buồn bã |
3. Phân biệt triệu chứng cường giáp và mãn kinh
Phụ nữ mãn kinh cũng có thể gặp các biểu hiện của tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp). Tuy nhiên, cường giáp ít phổ biến hơn suy giáp ở phụ nữ tuổi trung niên.
Khi mắc cường giáp, một số triệu chứng có thể nhầm lẫn với mãn kinh như:
– Cảm giác sợ nóng, da nóng, toát mồ hôi.
– Cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn, lo lắng.
– Stress, căng thẳng, khó tập trung.
– Phì đại tuyến giáp: có dấu hiệu bướu cổ hoặc lồi mắt.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Cần thăm khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ gặp vấn đề về tuyến giáp hoặc các triệu chứng mãn kinh. Hãy chuẩn bị và trao đổi các thông tin với bác sĩ như:
– Thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt: bất thường về thời gian giữa các kỳ kinh, lượng máu mất trong những ngày hành kinh.
– Các triệu chứng, đặc biệt là cơn bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, cảm giác sợ nóng hoặc sợ lạnh.
– Mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng; các triệu chứng có trở nên trầm trọng hơn hay không
– Tiền sử gia đình: có người thân mắc rối loạn nội tiết, đặc biệt là rối loạn về tuyến giáp.
Sau khi hỏi về các triệu chứng và tiền sử gia đình, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm xác định xem một người phụ nữ đang trải qua các dấu hiệu mãn kinh hay mắc suy giáp.
Cả thời kỳ mãn kinh và suy giáp đều có thể được chẩn đoán bằng một số xét nghiệm máu đơn giản sau đây:
Hormone kích thích nang trứng (FSH)
FSH có vai trò kích thích sự phát triển của các nang trứng, tạo trứng trưởng thành để sẵn sàng cho quá trình rụng trứng. Khi phụ nữ có tuổi, cơ thể cần nhiều FSH hơn để thực hiện chức năng này.
Nồng độ FSH tăng liên tục, thường trên 30 mIU/mL, thì có thể chẩn đoán là thời kỳ mãn kinh.
Hormone tạo hoàng thể (LH)
Hormone LH đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh chức năng của buồng trứng ở nữ giới. Nồng độ LH cũng tăng liên tục sau khi mãn kinh.
Bình thường vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ LH tăng giúp kích thích rụng trứng. Vì vậy, xét nghiệm chỉ có kết quả LH tăng cao sẽ không chẩn đoán được chắc chắn đó có phải thời kỳ mãn kinh hay không.
Hormone kích thích tuyến giáp (TSH)
Xét nghiệm nồng độ TSH thường được bác sĩ chỉ định đầu tiên để đánh giá hoạt động của tuyến giáp như thế nào.
Khi tuyến giáp giảm hoạt động chức năng, cơ thể sẽ tăng sản xuất TSH kích thích tuyến giáp tăng hoạt động. Mức TSH cao có thể chỉ ra tình trạng suy giáp.
T3 và T4
Đây là hai hormone chính do tuyến giáp sản xuất. Nồng độ hai hormone này không thay đổi đáng kể trong trường hợp suy giáp, nhưng các bác sĩ tiến hành xét nghiệm này để loại trừ các bệnh lý tuyến giáp khác.
Xét nghiệm tự kháng thể tuyến giáp (Thyroid antibody testing)
Tuyến giáp chứa các protein tế bào, và đôi khi cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các protein này. Nếu điều này xảy ra, có thể gây ra cả tình trạng cường giáp và suy giáp.
Trường hợp kháng thể này xuất hiện ở người có suy chức năng tuyến giáp, bác sĩ sẽ chẩn đoán người đó mắc viêm tuyến giáp Hashimoto.
Phụ nữ độ tuổi trung niên nên khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để kịp thời phát hiện các bất thường về chức năng tuyến giáp. Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lý tuyến giáp hoặc có các dấu hiệu mãn kinh cũng nên đi khám sức khỏe để được xác định nguyên nhân chính xác.