BSO Footer landing (1280 x 80 px)

Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ mãn kinh

|

Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online

Ở bất kỳ độ tuổi nào, ai cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng phụ nữ tuổi mãn kinh dễ mắc bệnh này hơn. Điều này có thể do sự kết hợp giữa thay đổi nội tiết tố thời kỳ mãn kinh và đặc điểm cơ thể của phụ nữ.

1. Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ mãn kinh

Tiền mãn kinh hay giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh ở phụ nữ thường bắt đầu ở độ tuổi 45 đến 55. Giai đoạn này kéo dài vài năm và có thể tới chục năm ở một số phụ nữ.

Bước sang thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng giảm sản xuất estrogen và progesterone. Hai hormone này đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe sinh sản và tình dục của phụ nữ.

Theo Hiệp hội Niệu khoa Hoa Kỳ, sự dao động nồng độ estrogen dẫn tới thay đổi niêm mạc âm đạo và vi khuẩn có hại có cơ hội sinh sôi. Hoạt động tình dục cũng có thể làm tăng khả năng mắc nhiễm trùng đường tiết niệu (hay nhiễm trùng tiểu).

Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao nhiễm trùng đường tiết niệu

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Niệu khoa Hoa Kỳ, trong đó những phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu có tới 20-40% bị nhiễm trùng lần hai.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, nếu một người bị nhiễm trùng đường tiết niệu hai lần trong vòng 6 tháng hoặc ba lần trong vòng 1 năm, thì người đó bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Phụ nữ tiền mãn kinh tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Theo nghiên cứu, 19-36% phụ nữ tiền mãn kinh bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Tỷ lệ này sau mãn kinh còn cao hơn là 55%.

Sụt giảm nồng độ estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh dẫn đến những thay đổi của niêm mạc bàng quang. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong hệ vi sinh vật trong đường tiết niệu sinh dục. Thay đổi của hệ vi sinh vật làm giảm các cơ chế bảo vệ tự nhiên chống lại nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, nguy cơ nhiễm trùng tăng lên.

2. Biện pháp dự phòng

Một số biện pháp đơn giản có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu gồm: 

  • Bổ sung đủ nước
  • Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục
  • Tránh thụt rửa âm đạo nếu không có chỉ định điều trị
  • Hạn chế sử dụng thuốc dạng xịt hoặc bột xung quanh vùng sinh dục

3. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Kháng sinh đường uống là lựa chọn đầu tiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ sau mãn kinh.

Bác sĩ thường yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm và có thể cấy nước tiểu để xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng. Từ đó, quyết định loại kháng sinh phù hợp.

Tuy nhiên, vấn đề vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng đáng lo ngại. Vì vậy, để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc cần uống đủ liều kháng sinh và đủ thời gian theo kê đơn của bác sĩ; kể cả khi đã hết triệu chứng.

Uống nhiều nước giúp nhanh hồi phục nhiễm trùng tiểu

Uống nhiều nước có thể giúp giảm bớt các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu và hồi phục nhanh hơn. Đi tiểu thường xuyên cũng giúp loại bỏ vi khuẩn có hại ra khỏi hệ tiết niệu.

4. Một số câu hỏi thường gặp về nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ mãn kinh

Mãn kinh có gây đi tiểu thường xuyên hơn mà không phải nhiễm trùng không?

Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ nhận thấy mình đi tiểu thường xuyên hơn. Theo một báo cáo trên Tạp chí Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ, có tới 77% nữ giới tuổi mãn kinh thức giấc một hoặc nhiều lần mỗi đêm để đi tiểu.

Theo nhóm tác giả trên, sự sụt giảm nồng độ estrogen có thể ức chế hormone chống bài niệu. Hormone này có vai trò kiểm soát lượng nước cũng như nồng độ chất thải trong nước tiểu được bài tiết ra ngoài cơ thể.

Các triệu chứng hệ tiết niệu khác trong thời kỳ mãn kinh là gì?

Khi bạn lớn tuổi, cơ bàng quang và niệu đạo yếu đi. Những thay đổi này làm giảm lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa được và tăng nguy cơ tiểu không kiểm soát (són tiểu) ở phụ nữ mãn kinh.

phụ nữ mãn kinh dễ mắc tiểu không kiểm soát

Có hai loại tiểu không kiểm soát chính gặp trong thời kỳ mãn kinh:

  • Tiểu không kiểm soát do áp lực (Stress incontinence): xảy ra khi ho, hắt hơi, chạy hay nâng vật nặng tạo một áp lực lên bàng quang. Tình trạng này không liên quan đến stress về tâm thần. Triệu chứng thường xuất hiện trong thời kỳ tiền mãn kinh nhưng thường không tiến triển trầm trọng hơn sau đó.
  • Tiểu không kiểm soát khẩn cấp (Urge Incontinence): Cảm giác muốn đi tiểu đột ngột và dữ dội, nước tiểu rỉ ra cùng lúc hoặc ngay sau đó. Nguyên nhân do bàng quang hoạt động quá mức hoặc không ổn định.

Một số bài tập tăng cường sức cơ sàn chậu (chẳng hạn bài tập Kegel) giúp cải thiện tình trạng tiểu không kiểm soát. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật điều trị tiểu không kiểm soát nếu cần thiết.

5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Viện quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Hoa Kỳ khuyến cáo: nếu có triệu chứng buồn nôn/nôn, sốt, đau dữ dội vùng lưng kết hợp với triệu chứng rối loạn tiểu tiện thì nên tới cơ sở y tế để thăm khám.

Sự kết hợp của các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.

Hiệp hội Niệu khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo  trường hợp thấy máu trong nước tiểu cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Máu trong nước tiểu không chỉ là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, mà còn có thể là biểu hiện của bất thường đường tiết niệu khác.

Đánh giá post
Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Print
Email
WhatsApp
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
0
No products in the cart.