Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online
Hội chứng ruột kích thích và mãn kinh đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone sinh dục giảm mạnh và có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.
Mãn kinh có gây ra hội chứng ruột kích thích không?
Mãn kinh không gây ra hội chứng ruột kích thích.
Ruột hoạt động tương tự một “bộ não thứ hai” trong cơ thể. Hàng triệu tế bào thần kinh phân bố rộng khắp hệ tiêu hóa, được gọi là hệ thần kinh ruột. Chúng có vai trò kiểm soát nhu động ruột, quá trình trao đổi chất qua niêm mạc và sản xuất các nội tiết tố ở ruột.
Hệ thần kinh ruột không chỉ hoạt động độc lập, mà còn liên hệ chặt chẽ với thần kinh trung ương. Mối liên hệ này mang tính chất hai chiều và được gọi là trục não ruột.
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của trục não ruột. Hội chứng này khác với các triệu chứng tiêu hóa chung và tạm thời có thể xảy ra do thay đổi nồng độ hormone sinh dục.
Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích có thể bắt đầu biểu hiện vào thời kỳ mãn kinh. Và mãn kinh cũng có thể khiến các triệu chứng ruột kích thích tồi tệ hơn.
Một số ít người bị hội chứng ruột kích thích sau khi bị nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa. Đây được gọi là hội chứng ruột kích thích sau nhiễm khuẩn.
Nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến đường ruột như thế nào?
Thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone sụt giảm.
Estrogen và progesterone góp phần điều hòa cơ ống tiêu hóa hoạt động trơn tru và ổn định để di chuyển thức ăn qua dạ dày và ruột. Táo bón hoặc tiêu chảy có thể xảy ra khi thiếu hụt estrogen và progesterone.
Estrogen và progesterone cũng tham gia kiểm soát hoạt động tiết acid dạ dày và dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Khi nồng độ hormone giảm, cơ thể không sản xuất đủ lượng acid dạ dày và dịch mật cần thiết. Dẫn tới tiêu chảy, táo bón và các triệu chứng khác, chẳng hạn như trào ngược dạ dày, đầy hơi.
Điều trị hội chứng ruột kích thích như thế nào?
Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích kết hợp giữa thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng thuốc.
Điều chỉnh chế độ ăn: Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ giúp giúp cải thiện tình trạng táo bón. Tránh các thức ăn và đồ uống kích thích, chẳng hạn như cà phê. Hạn chế các thực phẩm sinh hơi như đậu, sữa.
Thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu. Tập thói quen đi đại tiện vào khung giờ cố định trong ngày.
Hãy tuân thủ thuốc điều trị mà bác sĩ kê đơn (nếu có): Thuốc nhuận tràng hoặc chống tiêu chảy, thuốc kháng cholinergic, thuốc giảm đau,…