Tham vấn y khoa cùng Đội ngũ bác sĩ của Bacsi Online
Thời kỳ mãn kinh đánh dấu sự kết thúc độ tuổi sinh sản ở người phụ nữ. Đó là một quá trình tự nhiên liên quan đến những thay đổi về nội tiết tố và sinh lý. Hiểu rõ những thay đổi sẽ xảy ra có thể giúp phụ nữ bước sang tuổi mãn kinh dễ dàng hơn.
1. Mãn kinh không xảy ra đột ngột
Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu 12 tháng sau kỳ kinh cuối cùng. Mãn kinh thường ở độ tuổi 40-58 và trung bình 51 tuổi.
Nếu phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, thời kỳ mãn kinh sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức.
Một số phương pháp điều trị, chẳng hạn như hóa trị, có thể kích hoạt thời kỳ mãn kinh. Tình trạng này có thể tạm thời và kinh nguyệt sẽ trở lại một thời gian sau khi điều trị kết thúc.
Một số bệnh lý cũng có thể khiến thời kỳ mãn kinh bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn.
2. Tiền mãn kinh có thể bắt đầu ở độ tuổi 40
Tiền mãn kinh là giai đoạn trước khi mãn kinh. Giai đoạn này có thể kéo dài trong 4-8 năm. Bước sang độ tuổi 40, nồng độ nội tiết tố estrogen và progesterone giảm dần và thời kỳ tiền mãn kinh bắt đầu.
Chu kỳ kinh nguyệt thưa dần, xuất hiện không đều cho đến khi dừng hoàn toàn. Các triệu chứng mãn kinh bắt đầu xuất hiện.
Với phụ nữ ở độ tuổi 40, chậm kinh có thể là dấu hiệu mang thai hoặc mãn kinh.
3. Khó tránh khỏi các triệu chứng
Mãn kinh không phải là tình trạng bệnh lý, nhưng những thay đổi nội tiết tố có thể gây ra các triệu chứng. Mức độ có thể từ nhẹ tới nặng. Các triệu chứng có thể gặp như:
Nóng bừng: Cảm giác nóng đột ngột ở phần trên cơ thể ảnh hưởng đến 75% phụ nữ. Các cơn bốc hỏa thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm, cũng có thể kéo dài đến 10 năm hoặc lâu hơn.
Đổ mồ hôi ban đêm: Những cơn bốc hỏa vào ban đêm gây ra tình trạng đổ mồ hôi đêm.
Khó ngủ: Đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng và lo lắng có thể khiến bạn khó ngủ.
Khô âm đạo: Kết quả có thể gây đau khi quan hệ tình dục.
Giảm ham muốn tình dục: Ham muốn tình dục có thể giảm khi lượng hormone sụt giảm. Khô âm đạo cũng có thể khiến việc quan hệ tình dục không thoải mái.
Thay đổi tâm trạng: Nồng độ hormone dao động và các yếu tố môi trường có thể góp phần gây ra căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.
Loãng xương: Thay đổi nội tiết tố có thể góp phần gây loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương.
4. Tình dục tuổi mãn kinh
Một số phụ nữ lo sợ rằng mãn kinh có nghĩa là họ sẽ kém hấp dẫn hơn hoặc không thể tận hưởng một cuộc sống tình dục trọn vẹn. Tuy nhiên, thời kỳ có thể mang một ý nghĩa mới về chuyện chăn gối, vì lo lắng về kinh nguyệt và mang thai giảm bớt.
Phụ nữ hoặc bạn đời có thể có những băn khoăn về chuyện tình dục. Giao tiếp cởi mở có thể giúp cả hai người vượt qua rào cản thời kỳ này.
5. Cơ thể vẫn sản xuất hormone
Cơ thể không ngừng sản xuất estrogen sau mãn kinh. Estrogen đóng một vai trò trong các chức năng quan trọng khác. Và cơ thể vẫn cần một số estrogen, mặc dù với lượng nhỏ hơn.
Tuy nhiên, buồng trứng không còn tiết estrogen. Thay vào đó, các tuyến thượng thận sản xuất các hormone gọi là nội tiết tố androgen và aromatase, một loại hormone khác, chuyển đổi chúng thành estrogen.
6. Tăng cân ở tuổi mãn kinh
Nhiều phụ nữ tăng cân khi bước sang tuổi kỳ mãn kinh. Nhưng vẫn có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả bằng dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể lực phù hợp.
Lý do tăng cân có thể bao gồm:
– Tăng cảm giác đói do thay đổi các hormone kiểm soát cơn đói.
– Thay đổi sự trao đổi chất do các yếu tố nội tiết tố
– Chế độ ăn uống kém lành mạnh
– Ít hoạt động thể lực.
Tránh thừa cân giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ trung niên.
7. Stress thời kỳ mãn kinh
Nhiều phụ nữ khó tập trung và giảm khả năng ghi khi bước sang tuổi mãn kinh. Căng thẳng (stress) là một yếu tố ảnh hưởng đáng quan tâm.
Lý do gây căng thẳng có thể bao gồm: Các thay đổi về sinh lý trong cơ thể; áp lực cuộc sống gia đình và công việc; lo lắng về các vấn đề về tuổi tác.
Một số biện pháp giúp giảm tình trạng căng thẳng: tập thể dục thường xuyên, tham gia một lớp học yoga. Ghi chú công việc cần làm. Nếu có thể, tìm cách cân bằng giữa trách nhiệm và lợi ích cá nhân. Thường xuyên giao lưu với bạn bè và gia đình…
8. Vẫn có thể mang thai
Mãn kinh đánh dấu sự kết thúc những năm sinh sản của phụ nữ, nhưng cần lưu ý phụ nữ vẫn có thể mang thai trong khoảng thời gian này hoặc sau đó.
Các chu kỳ kinh nguyệt không đều và thưa dần và phụ nữ vẫn có thể mang thai.
Những tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản đồng nghĩa có thể mang thai sau khi mãn kinh. Điều này có thể thực hiện với trứng hoặc phôi đã được lấy và bảo quản trước đó.
Tuy nhiên, nguy cơ sẩy thai, sinh non và các rủi ro cao hơn, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người tại thời điểm thụ thai.
9. Các biện pháp điều trị hiện nay
Điều trị hormone: Có thể giải quyết nhiều vấn đề bằng cách cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể không phù hợp với những người có nguy cơ đông máu, đột quỵ, ung thư vú, sa sút trí tuệ và bệnh lý túi mật.
Thuốc chống trầm cảm: Liều thấp paroxetine có thể giúp điều trị chứng bốc hỏa.
Cải thiện chất lượng quan hệ tình dục: Sử dụng chất bôi trơn hoặc thuốc nội tiết dưới dạng vòng, kem hoặc viên nén để bôi trực tiếp giúp giảm khôi âm đạo.
Ngăn ngừa loãng xương: Thăm khám sức khỏe thường xuyên để đánh giá mật độ xương. Nếu kết quả cho thấy mật độ xương ngày càng giảm, có thểbổ sung vitamin D kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục để giảm nguy cơ loãng xương.
Ngoài ra, tập thể dục đều, hạn chế uống rượu, cà phê và duy trì thói quen ngủ lành mạnh cũng góp phần nâng cao sức khỏe.
10. Mãn kinh: Một khởi đầu mới
Mãn kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ, nhưng không phải là một căn bệnh. Và cũng không có nghĩa là cơ thể suy yếu hay già đi.
Các triệu chứng mãn kinh có thể xuất hiện ở độ tuổi trung bình là 50. Tuổi thọ của phụ nữ ngày một tăng và mối quan tâm với lão hóa ngày càng tăng.
Để được tư vấn các vấn đề về sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh bởi Đội ngũ Bác sĩ, Quý khách hãy nhấn tham gia Nhóm zalo Bacsi Online.