Nguy cơ cục máu đông phụ nữ mang thai mắc COVID

Estrogen và COVID-19: nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai

Theo một nghiên cứu mới đây, phụ nữ đang mang thai hoặc sử dụng nội tiết tố estrogen như biện pháp tránh thai hoặc liệu pháp hormone thay thế có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn khi nhiễm COVID-19.

Tăng nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai khi mắc COVID-19

Tăng nguy cơ cục máu đông ở phụ nữ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai khi mắc COVID-19

Sử dụng nội tiết tố estrogen có liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch. 

Ở phụ nữ mắc rối loạn đông máu trước đó, nguy cơ hình thành cục máu đông cao nhất trong năm đầu tiên điều trị liệu pháp hormone thay thế hoặc uống thuốc tránh thai chứa estrogen. 

Phụ nữ không mắc rối loạn đông máu cũng có nguy cơ đông máu tăng  khi dùng các loại thuốc chứa estrogen.

Khi mang thai, cơ thể sản xuất nhiều estrogen một cách tự nhiên, cũng có liên quan đến tăng hình thành cục máu đông. 

Nhiễm COVID-19 làm cho nguy cơ xảy ra cục máu đông tăng lên. Cục máu đông lớn làm cản trở lưu thông máu trong cơ thể, có thể gây gián đoạn lưu thông máu hoàn toàn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ não.

Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông  khi mắc COVID-19, tiến sĩ Hamid Mojibian của Trường Y Đại học Yale (Mỹ) khuyến nghị: “Tăng cường vận động thể dục thể thao, bỏ thuốc lá. Cắt giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn. Đặc biệt, tham vấn bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc tránh thai chứa estrogen hoặc liệu pháp hormone thay thế ở phụ nữ nhiễm COVID-19.”


Estrogen bảo vệ phụ nữ mắc COVID

Bổ sung estrogen giảm tử vong do COVID-19 ở phụ nữ mãn kinh

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở phụ nữ mãn kinh giảm khi được sử dụng liệu pháp hormone thay thế giúp tăng nồng độ estrogen.

Theo một nghiên cứu được công bố trên BMJ Open, bổ sung estrogen có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong do COVID-19 ở phụ nữ sau mãn kinh.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Umea (Thụy Điển) thu thập dữ liệu thống kê quốc gia thông tin về các phụ nữ mãn kinh nhiễm SARS-CoV-2 để đánh giá liệu pháp bổ sung estrogen có làm giảm tỷ lệ tỷ lệ tử vong do COVID-19 hay không. Dữ liệu có 14.685 phụ nữ từ 50 đến 80 tuổi, chia thành 3 nhóm. 

– Nhóm 1 gồm 227 phụ nữ mắc ung thư vú đang điều trị nội tiết (nồng độ estrogen giảm); 

– Nhóm 2 gồm 2.535 phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone thay thế (nồng độ estrogen tăng);

– Nhóm 3 gồm 11.923 phụ nữ không điều trị nội tiết – nhóm đối chứng (nồng độ estrogen sau mãn kinh).

Phụ nữ mãn kinh & COVID-19

Theo nghiên cứu này, nguy cơ tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 thấp nhất nhóm phụ nữ mãn kinh sử dụng liệu pháp hormone (bổ sung estrogen). Nhóm có nồng độ estrogen giảm có nguy cơ tử vong cao nhất, cao gấp hơn 5 lần nhóm được bổ sung estrogen. Nhóm phụ nữ mãn kinh không điều trị nội tiết cũng có nguy cơ tử vong cao hơn nhóm được bổ sung estrogen. 

Theo nhóm tác giả, cần thêm các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên để đánh giá hiệu quả giảm mức độ nghiêm trọng và tử vong do COVID-19 của liệu pháp bổ sung estrogen ở phụ nữ mãn kinh.


Tăng nguy cơ COVID-19 nặng ở nam giới thiếu hụt testosterone

Testosterone thấp gây COVID-19 trở nặng ở nam giới

Theo nghiên cứu mới đây trên tạp chí JAMA, nồng độ testosterone  (hormone sinh dục nam) thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng ở nam giới.

Nồng độ testosterone thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng ở nam giới nhiễm COVID-19

Nồng độ testosterone thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng ở nam giới nhiễm COVID-19

Nhìn chung, nam giới mắc COVID-19 thường có tình trạng bệnh nặng hơn phụ nữ.

Tác giả Abhinav Diwan, giáo sư Đại học y Washington, Mỹ, cho biết: “Trong đại dịch COVID-19, có một quan niệm rằng testosterone là không tốt. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy điều ngược lại, bệnh nhân nam có nồng độ testosterone càng thấp thì càng có nguy cơ cao bị tình trạng bệnh trầm trọng và tử vong do COVID-19, cao hơn nhiều so với với các bệnh nhân nam có mức độ testosterone cao hơn.”

Trước đó, giáo sư Abhinav Diwan và các đồng nghiệp đã định lượng nồng độ một số hormone trong máu của 143 bệnh nhân COVID-19, gồm cả nam và nữ, nhập viện điều trị.

Phân tích kết quả cho thấy không có mối tương quan nào giữa nồng độ của các loại nội tiết tố và mức độ nghiêm trọng của COVID-19 ở phụ nữ. Còn ở nam giới, nồng độ testosterone có liên quan với mức độ bệnh.

Bệnh nhân nam với nồng độ testosterone thấp nhất có nguy cơ phải thở máy, phải nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt hoặc nguy cơ tử vong cao nhất.

Các chuyên gia cho biết, điều trị nam giới có nồng độ testosterone thấp bằng liệu pháp hormon có thể giúp giảm nguy cơ bị tình trạng bệnh nghiêm trọng khi mắc COVID-19, tuy nhiên đi kèm đó là những nguy cơ khác mà bác sĩ và bệnh nhân sẽ cần phải cân nhắc khi sử dụng hormon.


Ảnh hưởng COVID đến phụ nữ

COVID-19 và sức khỏe sinh sản phụ nữ

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của dân số toàn cầu. Căng thẳng, lo âu được biết đến là yếu tố có thể gây bất thường chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Vậy đại dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sinh sản ở phụ nữ?

Để đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới sức khỏe sinh sản ở phụ nữ, Niamh Phelan và cộng sự công tác tại Khoa Nội tiết, Đại học Tallaght (Ireland)  đã khảo sát 1031 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy các thay đổi chu kỳ kinh nguyệt cũng như thay đổi về lối sống và sức khỏe tâm thần ở phụ nữ trong đại dịch COVID-19.

womencovid-19_effects

womencovid-19_effects

1. Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt trong đại dịch COVID-19

Gần một nửa phụ nữ được khảo sát cho biết có thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt:

– Các triệu chứng trước kỳ kinh nguyệt trở nên trầm trọng hơn (53%). 

– Trong giai đoạn dịch, tỷ lệ phụ nữ chậm kinh cao hơn so với trước đó. 9% chậm kinh mới xuất hiện từ khi dịch COVID-19 xảy ra. 

– Kinh nguyệt ra nhiều (47%)

– Tỷ lệ đau bụng kinh tăng (49%); 30% mới xuất hiện đau bụng kinh trong giai đoạn dịch

– Giảm ham muốn tình dục (45%)

2. Thay đổi lối sống và sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19

Khoảng 2/3 phụ nữ đã tăng cân trong giai đoạn dịch COVID-19.  Một nửa số được hỏi cho biết chế độ dinh dưỡng của họ trở nên kém lành mạnh hơn. Tỷ lệ uống quá nhiều rượu tăng hơn 1,5 lần so với trước dịch.

Có sự gia tăng đáng kể các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần ở phụ nữ trong đại dịch COVID-19. 84% phụ nữ bị ít nhất một triệu chứng rối loạn như: chán nản (50%), lo lắng (50%), ngủ ít (49%), giảm khả năng tập trung (36%),… Hai tác nhân gây căng thẳng hay gặp nhất là căng thẳng do công việc và khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Những phụ nữ trải qua ít nhất một rối loạn sức khỏe tâm thần (chán nản, lo lắng, căng thẳng) có nhiều nguy cơ rối loạn chu kỳ kinh nguyệt từ khi dịch COVID-19 xảy ra: tỷ lệ đau bụng kinh tăng, triệu chứng trước kỳ kinh trầm trọng hơn, cũng như giảm ham muốn tình dục so với trước dịch.