Bệnh nhân ung thư đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao hơn dẫn đến tỷ lệ nhập viện và tử vong cao.
Nguy cơ mắc COVID-19 ở bệnh nhân ung thư tăng lên đáng kể và diễn tiến bệnh thường nghiêm trọng hơn. Thật may mắn, tiêm vaccine đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo về nhiễm bệnh sau tiêm vaccine COVID-19 còn được gọi là nhiễm đột phá (Breakthrough infection).
Tiến sĩ William Wang và cộng sự đã tiến hành đánh giá cơ sở dữ liệu TriNetX gồm 90 triệu bệnh nhân tại Mỹ. So sánh tỷ lệ COVID-19 sau tiêm vaccine ở nhóm bệnh nhân ung thư và nhóm không ung thư. Nhóm bệnh nhân ung thư mắc 1 trong 12 loại ung thư thuộc các cơ quan: tuyến tụy, gan, phổi, đại trực tràng, da và tuyến giáp.
Các nhà nghiên cứu xem xét tỷ lệ mới mắc hàng tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021 cũng như nguy cơ nhập viện và tử vong của các trường hợp nhiễm đột phá.
Kết quả phân tích chỉ ra nguy cơ tích lũy nhiễm đột phá ở bệnh nhân ung thư là 13,6%, cao hơn bệnh nhân không ung thư. Phân loại theo cơ quan, nguy cơ cao nhất ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy (24,7%), tiếp theo là gan (22,8%), phổi (20,4%) và đại trực tràng (17,5%).
Nguy cơ nhập viện của bệnh nhân ung thư bị nhiễm trùng đột phát cao hơn nhiều so với bệnh nhân không ung thư (31,6% so với 3,9%). Ngoài ra, nguy cơ tử vong cũng tăng lên đáng kể.
—-
Tài liệu tham khảo:
Wang W et al. Breakthrough SARS-CoV-2 Infections, Hospitalizations, and Mortality in Vaccinated Patients With Cancer in the US Between December 2020 and November 2021 JAMA Oncol 2022